Quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của trường Đại học Hồng Đức

10/8/2020 12:00:00 AM

QUY ĐỊNH

 Về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử

 và trang thông tin điện tử của trường Đại học Hồng Đức

(Ban hành theo Quyết định số   937   /QĐ - ĐHHĐ ngày 19   tháng  8  năm 2010

của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử (e-mail) và trang thông tin điện tử (website) của trường Đại học Hồng Đức. 

2. Văn bản này áp dụng đối với các đơn vị, các tổ chức, đoàn thể thuộc trường và các cá nhân sử dụng hộp thư điện tử, thông tin trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trang thông tin điện tử (website) là nơi cung cấp, trao đổi thông tin công khai trên mạng Internet. Website có thể bao gồm nhiều trang thông tin (trang web), trong đó có Trang đầu hay Trang nhất (Home page) là trang hiển thị ra đầu tiên khi mở website. Thông tin trên các trang web được truyền tải bằng kỹ thuật đa phương tiện: Văn bản, âm thanh, tiếng nói, đồ hoạ, biểu đồ, hình ảnh, video và truyền hình trực tiếp. Có thể truy cập đến thông tin của các trang web khác nhờ các mối siêu kết nối. 

2. Cổng thông tin điện tử (portal) là website tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng theo một phương thức thống nhất, thông qua một điểm truy cập duy nhất đối với người sử dụng. 

Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của nhà trường sau đây được gọi chung là Website.

3. Họp qua web (web conference) là hình thức tổ chức phòng họp ảo, lớp học ảo qua web, trong đó các bên tham gia có thể trao đổi thông tin qua hình ảnh video, tiếng nói, bài trình chiếu, chia sẻ hình ảnh màn hình, chia sẻ tệp dữ liệu, gõ văn bản trao đổi tức thời (chat), bỏ phiếu thăm dò cùng một số tiện ích khác.

4. Thuyết trình qua web (Webinar) là hình thức phát quảng bá thông tin một chiều tới nhiều người tham dự qua việc truy cập một trang web nhất định; thông tin bao gồm các sự kiện như bài giảng, bài báo cáo, bài thuyết trình và có thể kèm hình và tiếng của một báo cáo viên.

5. Thư điện tử (e-mail), là phương tiện liên lạc, trao đổi thông tin thông qua các hộp thư điện tử trên Internet của các tổ chức và cá nhân. Mỗi hộp thư có tên gồm tên-riêng@tên-miền.

6. Tên-miền (Domain name) của trường Đại học Hồng Đức là tên đăng ký sở hữu của trường trên mạng Internet.

7. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ công trực tuyến được đánh giá theo các mức độ:

a) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: Là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

b) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Là dịch vụ công cộng trực tuyến mức độ 1và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

c) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Là dịch vụ công cộng trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

d) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là dịch vụ công cộng trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Chương II

THƯ ĐIỆN TỬ

Điều 3. Tên hộp thư

- Tên-hộp-thư @hdu.edu.vn.

- Tự thiết lập máy chủ thư điện tử riêng và thiết lập hệ thống mail nội bộ, kết hợp hệ thống Email của Bộ Giáo dục & Đào tạo

Điều 4. Phương thức thiết lập hệ thống thư điện tử 

            Trường Đại học Hồng Đức thiết lập hệ thống thư điện tử theo phương thức sau:

            Tự thiết lập máy chủ thư điện tử riêng. Khuyến khích khai thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở để thiết lập. Trước mắt, sử dụng các dịch vụ thư điện tử được cung cấp miễn phí theo tên miền riêng của trường từ một nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, có đi kèm một số dịch vụ khác như chia sẻ tài nguyên văn bản, lịch biểu

Điều 5. Cung cấp hộp thư điện tử

1. Trường Đại học Hồng Đức có trách nhiệm cung cấp miễn phí hộp thư điện tử theo tên miền riêng (bao gồm địa chỉ hộp thư và không gian lưu trữ hộp thư trên máy chủ) cho:

a)  Các đơn vị trực thuộc

b) Giảng viên, cán bộ quản lý và các nhân viên khác.

c)  Cá nhân làm công tác quản lý có hộp thư điện tử theo chức vụ.  

d)  Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. 

2. Một cá nhân có thể quản lý nhiều hộp thư điện tử: hộp thư cá nhân, hộp thư theo chức vụ, hộp thư theo tên đơn vị.

Điều 6. Tên đầy đủ của cá nhân và tập thể được cấp thư điện tử

1.  Tên hộp thư điện tử trong Tên-hộp-thư @hdu.edu.vn

2.  Tên hiển thị đầy đủ để người nhận thư biết rõ:

Họ và tên + Tên đơn vị trực thuộc + Trường Đại học Hồng Đức

Điều 7. Nhóm thư điện tử (e-mail group) 

Tạo hộp thư điện tử theo nhóm để phân tải quản trị hệ thống thư điện tử và để tiện trao đổi thông tin và liên lạc trong một nhóm.

Điều 8. Sử dụng hộp thư điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Trường Đại học Hồng Đức sử dụng hộp thư điện tử @moet.edu.vn do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp để giao dịch và tiếp nhận thông tin điều hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi về. Mẫu tên hộp thư điện tử như sau:

Hieutruong.hdt@moet.edu.vn

PhongHCTH.hdt@moet.edu.vn

Phongdaotao.hdt@moet.edu.vn

BanTS.hdt@moet.edu.vn

PhongSDH.hdt@moet.edu.vn

PhongTCCB.hdt@moet.edu.vn

PhongCTHSSV.hdt@moet.edu.vn

PhongQLKH.hdt@moet.edu.vn

PhongKHTC.hdt@moet.edu.vn

PhongCNTT.hdt@moet.edu.vn

PhongKDCL.hdt@moet.edu.vn

Điều 9. Sử dụng thư điện tử trong công tác hành chính, điều hành

1. Các thành viên trong nhà trường phải dùng hộp thư điện tử theo tên miền riêng của trường khi giao dịch công tác với các cơ quan, đoàn thể và cá nhân.

2. Mỗi đơn vị có một cán bộ quản lý hộp thư điện tử. Cán bộ được giao quản lý các hộp thư điện tử của đơn vị công tác có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý thông tin.

3. Không được gửi các loại văn bản mật qua hệ thống thư điện tử.

4. Người nhận thư cần có trách nhiệm xác thực lại nguồn gốc nội dung thư với người gửi qua các hình thức liên lạc khác.

5. Văn bản được chuyển qua hệ thống thư điện tử theo đúng quy định của pháp luật, được đảm bảo xác thực trong giao dịch điện tử sẽ có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước và cơ quan gửi có thể không phải gửi thêm văn bản giấy. 

6. Gửi, nhận thông tin qua hệ thống thư điện tử:

Gửi thư thông báo về việc tải văn bản có giá trị pháp lý và độ tin cậy cao được đăng tải trên Website của nhà trường như quy định dưới đây và trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Lịch công tác của nhà trường tới các đơn vị trực thuộc (bên cạnh hình thức công bố trên Website như quy định dưới đây); 

b) Các tài liệu trao đổi phục vụ công việc, tài liệu phục vụ các cuộc họp; 

c) Những văn bản gửi đến những cơ quan để biết, để báo cáo; 

d) Sử dụng hệ thống thư điện tử để gửi, nhận các loại văn bản: Thư mời, công văn, báo cáo các cấp, các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và các văn bản khác.

Điều 10. Sử dụng thư điện tử trong công tác đào tạo

1. Các đơn vị trực thuộc nhà trường gửi các thông tin, thông báo, tài liệu cho giảng viên, người học có liên quan.

2.  Trao đổi thông tin giữa giảng viên và người học.

3.  Thăm dò, lấy ý kiến về chương trình đào tạo và các nội dung hoạt động khác sau khi người học tốt nghiệp.

Điều 11. Công tác an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng thư điện tử 

1.  Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình sử dụng hệ thống thư điện tử các hành vi bị nghiêm cấm và theo quy định của pháp luật, quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử của cơ sở giáo dục Đại học và các quy định có liên quan khác của Nhà nước;

2.  Không được gửi thư rác.

3.  Không được cố tình phát tán thư, chuyển tiếp thư có nội dung văn hoá đồi trụy, chống phá Nhà nước, kích động bạo lực và chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo và các đơn thư khiếu nại, khiếu tố, bôi xấu nhà trường, gây chia rẽ nội bộ.

4.  Khi có hiện tượng gây rối, làm mất an ninh, an toàn thông tin trên mạng, cần thông báo ngay cho người có trách nhiệm biết để xử lý.

Chương III

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Điều 12. Chức năng trang thông tin điện tử của nhà trường

1. Thông tin trên trang thông tin điện tử của trường Đại học Hồng Đức có giá trị pháp lý (Website của trường Đại học Hồng Đức sau đây gọi tắt là Website).

2. Website của trường đại học Hồng Đức có địa chỉ http://www.hdu.edu.vn; là tiêu chí quan trọng để tự thể hiện năng lực, trách nhiệm công khai thông tin của nhà trường đối với xã hội và phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật.

Điều 13. Nhiệm vụ của Website

1. Công bố công khai, đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin của nhà trường.

2. Xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Quản lý Website

1. Hiệu trưởng nhà trường quyết định thành lập Ban Biên tập Website gồm: Thành viên Ban Giám hiệu làm Trưởng ban, các biên tập viên và quản trị viên hệ thống.

2. Nhiệm vụ của Ban Biên tập Website: 

a) Xây dựng và vận hành Website, bao gồm các cấu phần: hạ tầng kết nối mạng, thiết bị, nhân lực, đào tạo, nội dung, sao lưu, chống xâm phạm trái phép, chống virus, gỡ bỏ thông tin không phù hợp khi được phát hiện;

b) Xây dựng quy chế hoạt động và cung cấp thông tin, dữ liệu của các đơn vị trực thuộc. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cung cấp thông tin và dữ liệu; rà soát, kiểm tra, cập nhật bổ sung thông tin;

c) Biên tập, xử lý thông tin của các chuyên mục và chuyên đề; 

d) Tổng hợp ý kiến đóng góp của người truy cập; báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời với lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học; tổ chức trao đổi, thảo luận trên trang web diễn đàn của Website;

đ) Gửi tin, bài, dữ liệu của nhà trường về Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy  định. Cập nhật và tuyên truyền các trang thông tin chuyên đề hữu ích cho nhà trường và tin tức từ Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

e) Tổ chức triển khai, đánh giá kết quả hoạt động của các trang Website của các tổ chức, đơn vị trong trường.

3. Biên tập viên chịu trách nhiệm quản lý nội dung các chuyên mục thông tin của Website. 

4. Quản trị viên hệ thống (admin) có nhiệm vụ thiết kế, xây dựng và quản trị Website bao gồm đăng ký và quản lý tên miền; quản lý chỗ đặt Website hoặc quản lý máy chủ chứa Website; phân cấp, phân quyền, tạo tài khoản, tạo mật khẩu; triển khai biện pháp an toàn, an ninh. 

5. Hoạt  động trên Website phải tuân thủ các quy  định của pháp luật về quản lý thông tin trên mạng Internet và các quy định pháp luật hiện hành liên quan.

6. Khi đăng tải lại trên Website phải ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn. 

Điều 15. Trách nhiệm phối hợp tổ chức, cung cấp và cập nhật thông tin, dữ liệu của các đơn vị trên Website

1. Các phòng ban, khoa, trung tâm và các tổ chức đoàn thể trong trường có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời cho Website các nội dung thông tin, dữ liệu thuộc lĩnh vực do đơn vị quản lý quy định tại Chương IV của Quy định này.

2. Trưởng các đơn vị thuộc trường chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về việc đưa thông tin, nội dung thông tin, cập nhật thông tin, dữ liệu trên trang thông tin của đơn vị

Điều 16. Thời hạn cung cấp và cập nhật thông tin, dữ liệu trên Website

 Nội dung thông tin, dữ liệu trên Website phải được cung cấp và cập nhật nhanh, kịp thời.

1. Đưa ngay sau khi văn bản và dữ liệu được ký và đóng dấu trong ngày;

2. Không quá 10 ngày kể từ khi kết thúc các sự kiện khác.

Điều 17. Căn cứ quy định chung về thông tin đưa lên Website

1.  Khoản 2, Điều 28 Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006.

2.  Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

 Hàng năm, các đơn vị chức năng (phòng Đào tạo, phòng Tổ chức - Cán bộ, phòng Kế hoạch - Tài chính, phòng Quản trị - Vật tư, thiết bị) có trách nhiệm hoàn thành các Biểu mẫu 20, 21, 22 và 23 của Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT để đưa lên Website và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Nội dung ba công khai của nhà trường gồm:

a) Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế;  

b) Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục;

c) Công khai thu chi tài chính.

Điều 18. Áp dụng công nghệ và các tiêu chuẩn cho Website

1.  Thống nhất sử dụng duy nhất phông chữ Việt, bộ mã unicode, tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.

2.  Có công cụ tìm kiếm toàn văn.

3.  Đăng ký đọc tin tự động RSS.

4.  Dán thẻ đánh dấu (tag) hoặc từ khoá trên Website để phục vụ công tác tìm kiếm.

5.  Áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông được quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

6.  Ưu tiên khai thác và sử dụng công nghệ phần mềm mã nguồn mở để xây dựng website hoặc cổng thông tin điện tử (portal). Ưu tiên sử dụng định dạng văn bản mở khi đưa thông tin lên Website.

 

Chương IV

NỘI DUNG THÔNG TIN TRÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

 

Điều 19. Thông tin chung về tổ chức, hành chính

1.  Phòng Tổ chức - Cán bộ chủ trì nội dung thông tin giới thiệu về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường  và của từng đơn vị trực thuộc, bao gồm:

a) Sứ mạng và tầm nhìn của trường Đại học Hồng Đức

b) Sơ đồ cơ cấu tổ chức;

c) Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị trực thuộc;

d) Tóm lược quá trình hình thành và phát triển;

đ) Họ và tên, chức vụ, điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử chính thức nhiệm vụ đảm nhiệm của lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc;

e) Thông tin giao dịch: địa chỉ, điện thoại, số fax, địa chỉ hộp thư điện tử chính thức để giao dịch và tiếp nhận các thông tin; 

g) Danh sách cán bộ, giảng viên (kèm theo chức vụ, chức danh học hàm, học vị và địa chỉ hộp thư điện tử) của từng khoa, bộ môn và các đơn vị trực thuộc nhà trường; 

h) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách; chiến lược, quy hoạch của nhà trường.

i) Lấy ý kiến đóng góp của tổ chức và cá nhân, bao gồm:

- Danh sách các vấn đề xin ý kiến;

- Mỗi vấn đề xin ý kiến cần cung cấp đầy đủ các thông tin và yêu cầu của vấn đề như: Toàn văn nội dung vấn đề xin ý kiến; xem nội dung các góp ý; địa chỉ e-mail tiếp nhận góp ý và thời hạn tiếp nhận ý kiến;

- Khuyến khích có mục lấy ý kiến thăm dò dư luận.

2.  Phòng Hành chính - Tổng hợp chủ trì trong việc:

a) Giới thiệu nội dung các văn bản quy định có liên quan đến hoạt động của nhà trường.

b) Các thủ tục hành chính bao gồm:

- Thông báo danh mục các hoạt động trực tuyến được thực hiện;

- Quy trình, thủ tục, hồ sơ, nơi tiếp nhận, tên và thông tin giao dịch của người trực tiếp xử lý hồ sơ, thời hạn giải quyết, phí và lệ phí (nếu có); 

- Tổ chức các dịch vụ công trực tuyến và mức độ trực tuyến được quy định tại khoản 7 Điều 2 của Quy định này.

3. Mỗi đơn vị trực thuộc như khoa, bộ môn, phòng, ban, trung tâm, công ty, các tổ chức chính trị - xã hội có một trang web riêng nằm trong hệ thống Website của nhà trường và có trách nhiệm đưa, cập nhật các thông tin theo quy định tịa khoản 4, điều 41 của Quy định này.

Điều 20. Trang thông tin về công tác đào tạo

Phòng Đào tạo chủ trì nội dung trên trang thông tin về công tác đào tạo, gồm:

1. Các quy chế, quy định về đào tạo.

2. Chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo

3. Chương trình đào tạo: Mục tiêu đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, thái độ người học, trình độ ngoại ngữ và vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp ở các trình độ của các ngành, bậc đào tạo.

4. Niên lịch và đề cương chi tiết học phần: Công khai về giảng viên giảng dạy và giảng viên hướng dẫn (nếu có), mục tiêu học phần, nội dung và lịch trình giảng dạy, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá chất lượng học tập của người học. 

5. Hoạt động đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, gồm: Các đơn vị đặt hàng đào tạo, số lượng, thời gian, ngành nghề, trình độ và kết quả đào tạo. 

6. Chất lượng giáo dục thực tế: Số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở các trình độ đào tạo, hệ đào tạo và chuyên ngành đào tạo, có phân biệt về số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh theo kết quả tốt nghiệp, theo đơn đặt hàng của nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường. 

Điều 21. Tra cứu thông tin học, thi và kết quả học tập của sinh viên

Phòng Đào tạo có trách nhiệm phải cung cấp, hướng dẫn, tra cứu thông tin về kết quả thi và học tập của người học, gồm:

1. Đăng ký môn học, lịch học của sinh viên.

2.  Lịch thi học phần trước khi thi.

3. Kết quả thi học phần của sinh viên theo lớp, khoá, khoa hoặc qua các tài khoản truy cập của cá nhân tuỳ theo tính chất của kỳ thi.

Điều 22. Trang thông tin về tuyển sinh

1.  Thông tin về thi tuyển sinh đối với từng trình độ đào tạo: Đối tượng tuyển sinh, tên ngành và chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng, khối thi, lịch thi, địa điểm, lệ phí thi, học phí, mẫu hồ sơ đăng ký thi và tuyển sinh, các điều kiện dự thi khác; các thông báo kết quả thi, danh sách trúng tuyển; các dịch vụ công đăng ký trực tuyến khác.

2.  Thông tin về thi và tuyển sinh của nhà trường đăng trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo có  địa chỉ tại http://thi.moet.gov.vn, là thông tin chính thức và có giá trị pháp lý. Website của nhà trường kết nối đến Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.  Trước ngày 15 tháng 1 của năm tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, uỷ viên trực Hội đồng tuyển sinh và cán bộ công nghệ thông tin về thi tuyển sinh của nhà trường có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về thi và tuyển sinh (tên ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, địa điểm và các điều kiện dự thi khác) trên cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau thời hạn trên, uỷ viên trực Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin khi có thay đổi.

4. Từ cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường in biểu mẫu  đăng ký số lượng chỉ tiêu tương ứng với từng ngành; ký tên, đóng dấu, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Uỷ viên trực Hội đồng tuyển sinh của nhà trường có trách nhiệm đăng ký với Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo một tên đăng nhập và mật khẩu để tự quản lý và tự đăng thông tin về thi và tuyển sinh.

Điều 23. Trang thông tin về đào tạo trình độ thạc sĩ

1. Danh mục chuyên ngành và mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.

2. Niên giám thống kê đào tạo trình độ thạc sĩ qua các năm.

3. Nội dung thông tin về thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Quy định này. 

4. Tổ chức cơ sở dữ liệu các luận văn cao học để tra cứu trên Website.

Nội dung trên trang thông tin này do phòng Đào tạo chịu trách nhiệm cung cấp và thường xuyên cập nhật thông tin.

Điều 24. Trang thông tin về đào tạo trình độ Tiến sĩ

1. Danh mục chuyên ngành và mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Niên giám thống kê đào tạo trình độ tiến sĩ qua các năm.

3. Nội dung thông tin về thi tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Quy định này. 

4. Danh mục các đề tài luận án tiến sĩ đang thực hiện: Tên các đề tài luận án; đề cương nghiên cứu; tên nghiên cứu sinh.

5. Danh mục các luận án sau khi bảo vệ các cơ sở: Công bố tóm tắt luận án; những điểm mới của luận án, toàn văn luận án; ngày bảo vệ, địa điểm bảo vệ và mục có ghi nhận đóng góp ý, nhận xét (nếu có) của người đọc website.

6. Các luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công tại Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia, trong đó nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ thành công có trách nhiệm tiếp thu góp ý (nếu có) của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ và công bố toàn văn luận án đã được chỉnh sửa (nếu có). Bảng tra cứu luận án tiến sĩ theo tên ngành, mã ngành, tên nghiên cứu sinh, tên đề tài, tên (những) người hướng dẫn và tóm tắt các điểm mới của luận án.

Đơn vị chức năng do Hiệu trưởng quy định có trách nhiệm cung cấp và thường xuyên cập nhật trên trang thông tin này.

Điều 25. Thông tin về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên  

1. Phòng Tổ chức - Cán bộ chủ trì nội dung thông tin về:

a) Số lượng, chức danh nhà giáo, cán bộ quản lý có phân biệt theo hình thức tuyển dụng và trình độ đào tạo.

b) Số lượng giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo.

2. Phòng quản lý khoa học chủ trì nội dung thông tin về sơ lược lý lịch của giảng viên: họ và tên (kèm theo ảnh), tuổi đời, thâm niên giảng dạy, chức danh, trình  độ chuyên môn, công trình khoa học, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế, các bài báo  đăng tải trong nước và quốc tế; thông tin về họ và tên học viên, nghiên cứu sinh mà giảng viên đã hướng dẫn bảo vệ thành công trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tóm tắt đề tài nghiên cứu, thời gian thực hiện.

Điều 26. Thông tin về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn

Phòng Quản lý Khoa học & Công nghệ có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin về công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ sản xuất thử và tư vấn bao gồm:

 1. Phương hướng và kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ (KHCN): Phương hướng chung, định hướng và kế hoạch hoạt động KHCN hàng năm, kế hoạch trung hạn và kế hoạch chiến lược.

2. Các văn bản pháp quy quy định về hoạt động KHCN (văn bản của trường, tỉnh và nhà nước).

3. Thông tin về hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ: Danh mục các đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp đang được thực hiện; kết quả NCKH (kết quả nghiên cứu đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, kết quả được công nhận; danh mục các tiến bộ KHKT được chuyển giao vào sản xuất, danh mục các giải thưởng khoa học).

4. Thông tin về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên: Danh mục các đề tài NCKH sinh viên dự thi cấp bộ, cấp trường và cấp khoa đang thực hiện; danh mục các giải thưởng sinh viên NCKH (khối các trường ĐH, cấp bộ và giải thưởng Vifotec).

5. Hội nghị, hội thảo khoa học: Tin về hội thảo khoa học; danh mục các hội nghị, hội thảo khoa học đang được thực hiện; danh mục các hội nghị, hội thảo quy mô cấp trường, quốc gia và quốc tế trong 5 năm gần đây.

6. Tạp chí Khoa học và Công nghệ: Giới thiệu về tạp chí, Hội đồng biên tập, Ban biên tập, quy định về đăng bài, hướng dẫn viết bài, định dạng bài báo; các số xuất bản trong 5 năm gần đây.

7. Ý tưởng sáng tạo và sáng kiến kinh nghiệm: Thông tin về ý tưởng sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm; danh mục các sáng kiến kinh nghiệm đang thực hiện; các giải thưởng khoa học về lao động sáng tạo.

8. Sở hữu trí tuệ: Các văn bản quy định về sở hữu trí tuệ (Văn bản pháp quy của nhà nước, văn bản của trường); Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ tại trường ĐH Hồng Đức.  

Điều 27. Thông tin về thư viện sách và thư viện học liệu điện tử

 Trung tâm thông tin – Thư viện chịu trách nhiệm về nội dung trên trang thông tin về thư viện sách và thư viện học liệu điện tử, gồm:

1. Giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn: tên các giáo trình (kể cả giáo trình điện tử), tài liệu tham khảo, năm xuất bản, kế hoạch soạn thảo giáo trình, tài liệu tham khảo của các chuyên ngành. 

2. Trang thông tin thư viện cho phép tra cứu tìm kiếm giáo trình, sách tham khảo và theo dõi việc mượn/trả sách của thư viện. Giới thiệu về thư viện sách: Thống kê số đầu tên sách, chủng loại, sách tiếng Việt và ngoại ngữ, các tạp chí và ấn phẩm khác.

3. Trang thư viện toàn văn giáo trình điện tử. 

4. Nguồn học liệu mở gồm các bài trình chiếu, các tài liệu tham khảo, bài hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn làm báo cáo thực tập, các bài thí nghiệm ảo, các bản thảo viết tay của giảng viên.

5. Giới thiệu đường liên kết đến các thư viện phần mềm mã nguồn mở, các phần mềm tiện ích miễn phí hoặc có bản quyền để sinh viên tải về sử dụng, trong đó có thư viện mạng giáo dục: http://edu.net.vn/media ;  http://ebook.moet.gov.vn

 

Điều 28. Thông tin về công nghệ giáo dục, học điện tử (e-Learning) 

Ban biên tập website chủ trì phối hợp với phòng Đào tạo và các khoa trong việc:

1. Tổ chức chuyên trang học tập điện tử trực tuyến (e-Learning online) để sinh viên có thể tham khảo, hỗ trợ tự học. 

2. Tổ chức dịch vụ đào tạo trực tuyến phục vụ cho các loại hình đào tạo như chính quy, vừa làm vừa học và đào tạo từ xa.

3. Trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Điều 29. Tổ chức phòng họp và lớp học ảo qua web  

1. Họp giao ban, họp giữa nhà trường với các tổ chức khác trong và ngoài nước; 

2. Dạy học trực tuyến giữa các địa điểm trực thuộc của trường với các đối tác liên kết trong nước và quốc tế;

3. Tổ chức tham gia hội đồng bảo vệ luận án, luận văn qua mạng đối với các thành viên ở xa.

4. Địa chỉ phòng họp ảo không nhất thiết có tên miền nằm trong website của nhà trường.

5. Tổ chức lưu trữ để phát lại các bài giảng, bài thuyết trình, báo cáo khoa học tiêu biểu, có giá trị hoặc mang tính thời sự trên kênh video và qua phòng học ảo.

6. Tổ chức phát hình trực tiếp, trực tuyến qua phòng học ảo một số sự kiện quan trọng.

7. Tổ chức thuyết trình qua web (Webinar).

Điều 30. Thông tin về công tác kế hoạch, tài chính và đấu thầu, dự án  

1. Phòng Kế hoạch – Tài chính chịu trách nhiệm công khai thông tin về công tác kế hoạch, tài chính, gồm:

a) Công khai thu, chi tài chính theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

b) Công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chính sách học bổng và kết quả thực hiện trong từng năm học; các nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tư vấn và các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Ban quản lý dự án xây dựng, phòng Quản trị - Vật tư, thiết bị chủ trì trong việc công khai thông tin về đấu thầu, dự án, gồm:

a) Thông tin về dự án, hạng mục đầu tư: Danh sách các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án đang triển khai, các dự án đã hoàn tất. Mỗi dự án cần có tối thiểu các thông tin: Tên dự án, mục tiêu chính, lĩnh vực chuyên môn, loại dự án, thời gian thực hiện, loại hình tài trợ, nhà tài trợ, tình trạng thực hiện dự án; 

b) Công khai thông tin về đấu thầu, gọi thầu, mua sắm công.

Điều 31. Niên giám thống kê về giáo dục  

Phòng Kế hoạch – Tài chính chủ trì trong việc công bố Niên giám thống kê của nhà trường 5 năm gần đây.

Niên giám thống kê gồm các thông tin cơ bản sau: Năm học, số lượng giảng viên, giáo viên, trong số đó có bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ; số lượng sinh viên, trong đó có chia ra tương ứng với các loại hình và trình độ đào tạo; số lượng sinh viên tuyển sinh đầu vào; số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường. 

Điều 32. Trang tin bằng tiếng nước ngoài và thông tin hợp tác quốc tế

1.  Website của trường ĐH Hồng Đức ngoài trang tiếng Việt còn có trang thông tin bằng tiếng Anh. Tất cả các mục trong phần tiếng Việt được thể hiện bằng tiếng Anh (kể cả các trang thông tin của các đơn vị trong nhà trường) và do phòng Hợp tác Quốc tế chủ trì thực hiện.

2.  Các hoạt động liên quan đến dự án hợp tác quốc tế: Tin về hoạt động Hợp tác quốc tế, các văn bản pháp quy, quy định về công tác hợp tác quốc tế; các bản ghi nhớ với cơ quan tổ chức quốc tế; các đề tài, dự án quốc tế; các chương trình hợp tác quốc tế và công tác quản lý lưu học sinh tại trường.

Điều 33. Thông tin về cơ sở vật chất 

1. Phòng Quản trị - Vật tư, thiết bị chủ trì nội dung thông tin về cơ sở vật chất, gồm:

a)  Số lượng và diện tích giảng  đường, phòng học, phòng chuyên môn, xưởng thực tập.

b) Diện tích, địa điểm khu hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá. 

c) Các loại thiết bị đào tạo và thí nghiệm được sử dụng.

2. Ban Quản lý Nội trú chủ trì nội dung thông tin về ký túc xá: Số lượng, diện tích, địa điểm, điều kiện đăng ký, giá thuê (nếu có), nội quy ký túc xá.

Điều 34. Thông tin về hoạt động hỗ trợ học tập và sinh hoạt  

1.  Trung tâm Phát triển Đào tạo và Hỗ trợ Học tập chủ trì nội dung thông tin về hỗ trợ học tập và sinh hoạt, gồm:

a) Tư vấn hỗ trợ việc làm, tư vấn hướng nghiệp;

b)  Giải đáp theo yêu cầu của sinh viên về các vấn đề có liên quan đến nhà trường

2.  Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên chủ trì nội dung thông tin về học bổng, tín dụng vay vốn và các dịch vụ hỗ trợ khác cho sinh viên.

Điều 35. Thông tin kiểm định chất lượng đào tạo 

Phòng Đảm bảo Chất lượng và Khảo thí chủ trì nội dung thông tin về công khai thông tin kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục gồm: kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục, báo cáo tự đánh giá, báo cáo đánh giá ngoài và công nhận đạt hay không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Điều 36. Các thông tin khác 

1. Trang Diễn đàn (forum) để trao đổi ý kiến về các hoạt động của nhà trường.

Tất cả các thành viên tham gia diễn đàn phải tuân thủ các điều khoản trong nội quy diễn đàn của nhà trường, nếu vi phạm sẽ bị sử lý theo nội quy diễn đàn.

2. Văn phòng Đảng ủy, văn phòng Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên và văn phòng Công đoàn chủ trì nội dung thông tin về các tổ chức Đảng, Đoàn, hội sinh viên và công đoàn nhà trường.

3. Phòng Hành chính – Tổng hợp chủ trì nội dung thông tin về thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn và phát ngôn chính thức của nhà trường về các vấn đề có liên quan.

Điều 37. Hình thức cung cấp và cập nhật thông tin, dữ liệu trên Website

1. Thông tin, dữ liệu do các đơn vị tự cập nhật trên trang riêng các thông tin chung về hoạt động của nhà trường được gửi về Ban biên tập Website 

a) Qua hộp thư điện tử duatin.hdu.edu.vn

b) Hoặc qua các phương tiện lưu trữ dữ liệu khác.

2. Thời gian cập nhật thông tin:

            a) Đối với các văn bản hành chính, điều hành: Công bố ngay sau khi ký, đóng dấu ban hành;

            b) Đối với tin tức, sự kiện: cung cấp thông tin kịp thời, chậm nhất 24h sau khi diễn ra hoạt động, sự kiện. 

Điều 38. Tạo đường liên kết thông tin, dữ liệu với Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Tăng cường phổ biến và chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng các đường kết nối tới các trang web quan trọng sau:

1. Trang văn bản quy phạm pháp luật           http://vanban.moet.gov.vn

2. Trang thủ tục hành chính trong giáo dục  http://cchc.moet.gov.vn

3. Trang giáo trình điện tử                            http://ebook.moet.gov.vn

4. Trang cẩm nang điện tử thi và tuyển sinh http://thi.moet.gov.vn và một đường liên kết đến trang thi và tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học

5. Trang tài nguyên giáo dục và học liệu     http://www.edu.net.vn/media   

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 39. Kinh phí thực hiện Website và thư điện tử

1. Kinh phí thực hiện website và thư điện tử được cân đối trong dự toán chi của nhà trường.  

2. Kinh phí thực hiện website của nhà trường được chi cho:

a) Đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; xây dựng và nâng cấp các phần mềm của website; máy chủ chứa website;

b) Cung cấp thiết bị kết nối Internet đảm bảo truy cập thường xuyên 24 giờ cho cán bộ quản trị mạng và biên tập viên chính để theo dõi, quản lý, cập nhật thông tin Website;

c) Công tác quản trị, nhuận bút, thù lao cộng tác viên, biên tập viên và nhân viên của Website;

d) Mức chi được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường.

Điều 40. Tổ chức đánh giá về hoạt động của hệ thống Website và thư điện tử

1. Từng học kỳ và hàng năm, nhà trường tổ chức đánh giá, xếp hạng và công bố kết quả đạt được và xếp hạng theo thứ bậc về hoạt động của hệ thống thư điện tử và nội dung thông tin trên website của các đơn vị trực thuộc.

2. Đối với thư điện tử: Đánh giá tỉ lệ % giáo viên và sinh viên của các đơn vị được cấp và sử dụng hộp thư điện tử của nhà trường; 

3. Đối với Website: 

a) Đánh giá mức độ đáp ứng tính theo đầu mục thông tin được nêu trong Quy định này; 

b) Đánh giá mức độ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; 

c) Đánh giá tính chính xác; 

d) Đánh giá mức độ cập nhật thông tin kịp thời; 

đ) Đánh giá theo các tiêu chí về thực hiện công khai đối với đơn vị.

4. Đánh giá việc cập nhật thông tin trên website nhà trường

5. Kết quả đánh giá được công bố công khai theo từng học kỳ và hàng năm trên website của nhà trường. Kết quả này được nhà trường dùng để:

a) Kiểm định chất lượng giáo dục của đơn vị trực thuộc;

b) Đánh giá, xếp loại thi đua đối với các đơn vị trực thuộc.

Điều 41. Tổ chức thực hiện

1. Ban quản trị website:

a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng trong trường, chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các nội dung của Quy định này;  

b) Tổ chức đánh giá, xếp hạng trang website của các tổ chức và đơn vị trực thuộc theo từng tháng, từng học kỳ và hàng năm, công bố công khai trên website của nhà trường.

2. Các phòng, ban chức năng

a) Thực hiện công khai thông tin thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị theo các nội dung của Quy định này;

b) Tham gia công tác đánh giá, xếp hạng trang website của các tổ chức và đơn vị trực thuộc do Ban quản trị website tổ chức.

 3. Trung tâm Thông tin – Thư viện có trách nhiệm:

a) Tổ chức tập huấn, hỗ trợ dịch vụ và kỹ thuật để các đơn vị chủ động cung cấp thông tin trên website đáp ứng yêu cầu của Quy định này.

b) Xây dựng kế hoạch triển khai việc tổ chức họp và đào tạo trực tuyến qua web; thiết lập hệ thống thư điện tử riêng cho các đơn vị trong trường;

c) Theo dõi, thống kê kết quả thực hiện công khai và cập nhật thông tin của các tổ chức, đơn vị trong trường hàng tháng, từng học kỳ và hàng năm cung cấp cho Ban quản trị website làm cơ sở đánh giá, xếp loại trang web các đơn vị.

4. Các khoa, trung tâm

a) Thực hiện 3 công khai theo quy định của nhà trường và của Bộ GD&ĐT trong phạm vi đơn vị;

b) Công khai về chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, giảng viên dạy, kế hoạch dạy, học, thi, đánh giá;

c) Công khai về cơ cấu tổ chức của đơn vị, phân công nhiệm vụ của các lãnh đạo đơn vị, các trợ lý, các đoàn thể;

d) Đưa tin về các hoạt động của khoa, trung tâm; thông tin về hội thảo, hội nghị;

e) Cử một cán bộ phụ trách trang web và quản lý hộp thư của đơn vị; thường xuyên mở trang thông tin và hộp thư của đơn vị để xử lý thông tin. Trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trên trang web của đơn vị mình.

5. Các đơn vị trực thuộc trường sử dụng thông tin trên website của nhà trường làm nguồn tin chính thức có giá trị pháp lý cho công tác nghiệp vụ của mình.

Trong quá trình thực hiện có điều gì chưa phù hợp, cần thay đổi, bổ sung, các tổ chức, đơn vị và cá nhân báo cáo Hiệu trưởng qua Ban quản trị website để xem xét điều chỉnh, bổ sung./.

                                                                                                                                          HIỆU TRƯỞNG

Nơi nhận:                                                                                              

- Ban Giám hiệu;

- BCH Công đoàn;

- BCH Đoàn trường;

- Các đơn vị trực thuộc;                                                                          

- Lưu VT, TT TT-TV.                                                                                                          Nguyễn Văn Phát

Tin liên quan