Xin tri ân đến Thầy Cô cùng tất cả Bạn đọc bài viết của một cựu sinh viên nhân Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Trường: KỶ NIỆM XƯA

10/25/2022 9:21:24 PM
Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202210/Images/truong-hong-duc-20221025110114-e.jpg

Trường Đại Học Hồng Đức 

 

25 năm- một chặng đường đủ dài để làm nên nhiều đổi thay của một đời người. Nếu ai đó dù có chậm chạp đi chăng nữa cũng đã hoạch định cho mình về một tương lai với bề bộn lo toan và sẵn sàng đón nhận nhiều chông gai, trắc trở.

Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202210/Images/z3828844924008-7c364c06b523f9527b148a062f343a08-20221025091030-e.jpg

Bên Mái Trường Xưa - Phạm Dũng & Bạn 

 

Cái mốc thời gian ấy tôi không dành ra để chiêm nghiệm cho một quãng đường của một đời người đã trải qua, mà đó là của một ngôi trường đã trao cho chúng tôi đầy ắp những kỷ niệm. Năm 1997, ngôi trường Đại học mới được ra đời tại một tỉnh thành đông dân cư đứng thứ 3 của cả nước. Có lẽ đó là niềm mong mỏi bao nhiêu năm của các nhà lãnh đạo và lớn lao hơn là niềm mơ ước, niềm mong mỏi của hết thảy mọi gia đình nghèo ở thôn quê như chúng tôi. Năm 1998 trường tuyển sinh khóa Đại học đầu tiên và chúng tôi đã được góp mặt vào khóa đấy. Ngành sư phạm có 4 lớp: 2 Văn, 2 Toán. Một sự lạ kỳ đến bây giờ vẫn còn hằn sâu trong ký ức mỗi bạn bè, mỗi thầy cô là sao 2 lớp Văn mà con trai đông đến thế. Số lượng nam- nữ gần như 50-50. Điều đặc biệt, dù là theo ngành Ngữ văn, nhưng đa số cánh đàn ông ấy vẫn không có ông nào 2 phai cả. Rất trượng phu, rất khảng khái, mạnh mẽ, rắn rỏi và tuyệt không có sự ủy mị, ẻo lả, uốn éo đan xen vào.

 

Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202210/Images/z3828787028460-afe739869ced45ee24e1c5f6d95435e9-20221025091030-e.jpg

Tác phẩm Thơ: "Mình Khuất Bóng Mình" - Tác giả: Phạm Văn Dũng

 

Quả là mỗi thời mỗi khác, đất nước giờ đây có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Xã hội phồn vinh, gia đình sung túc, con cái ít nên việc quan tâm đến thế hệ trẻ là ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình. Không phải nói ra ý này là chúng tôi đang sắp sửa ôn nghèo, kể khổ. Chúng tôi luôn thấu hiểu một chân lý tối giản rằng: Cha mẹ giàu con có- cha mẹ nghèo con phải chịu khó cơ cầu. Quả là như vậy. Nhưng trong cái nghèo, cái giản đơn, cái túng thiếu ấy đã hun đúc nên thế hệ chúng tôi- một thế hệ: Người yêu người sống để yêu nhau.

Từ mô hình Cao đẳng lên Đại học nên quy mô phải có nhiều đổi thay: trường phải được cơi nới rộng hơn, phòng ốc phải nhiều và khang trang hơn, cơ sở vật chất phụ trợ phải đảm bảo hơn… Và thế là nhà trường vừa phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa phải thực hiện nhiệm vụ mở rộng, cơi nới, xây lắp nhiều công trình, nhiều thiết bị dạy học mang tính hiện đại.

Riêng với thư viện, với thẻ bạn đọc thì chúng tôi luôn khai thác đến tối đa, hết công suất. Với những bộ tiểu thuyết dài kỳ, kinh điển, nhiều tập, tổng gộp lại có thể lên đến 3- 4 ngàn trang. Chúng tôi lên mục tiêu là phải “cày” trong vòng một tuần cho hết. Với những bộ tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa hay của Việt Nam, khi đọc xong các bạn còn tỉ mẩn ghi chép lại tên từng hồi để khi tóm tắt sẽ không bị bỏ sót, bỏ quên một chương hay một hồi nào đó của truyện. Riêng với tôi, một số tập thơ tiêu biểu của các nhà thơ trong phong trào thơ mới (1932- 1945) như: “Thơ thơ” của Xuân Diệu, “Lửa thiêng” của Huy Cận, “Điêu tàn” của Chế Lan Viên, “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính, “Bức tranh quê” của Anh Thơ, “Thơ điên” của Hàn Mặc Tử…tôi đều lén đem ra quán poto nhờ các chị úp trang in vội để kịp giờ trả cho cán bộ thư viện.

Những ngày ấy, khu ký túc, các khu trọ bao quanh khu vực nhà trường đều rất sầm uất, náo nhiệt, sôi động đến lạ thường. Riêng quãng đời sinh viên của tôi chưa khi nào nếm trải lấy một lần ở trong ký túc xá. Vì có một lần tôi vào chơi thấy các bạn nam cứ chiều đến, mỗi người cầm một cái xô con đem đến bể chứa nước lớn của ký túc xá để múc nước dội tắm. Hình ảnh ấy tôi thấy thật là ái ngại nên chẳng dám bén mảng đến để đăng ký ở trong này. Rồi những hệ lụy khác kéo theo như: khu vệ sinh, nơi phơi quần áo, dòng người ra vào, đi chơi bên ngoài bị khống chế không quá 10 giờ đêm… Tất cả những lý do ấy khiến tôi chưa một lần có ý định vào đó ở cả. Nhưng nó cũng có những lợi thế riêng chứ: đông vui, đến mùa thi các bạn được ôn tập trung, như thế sẽ rất dễ nhớ, anh chị em biết rèn luyện ý thức sống cộng đồng…Nên chúng ta không có quyền được dè bỉu gì cả. Không ở là vì nó không phù hợp với riêng cá nhân của chúng ta mà thôi.

Trong quá trình học tập, riêng khóa chúng tôi lấy học bổng của nhà trường là khá lớn. Phải chăng đây được xem là những chú chim đầu đàn nên đã được các thầy cô ưu ái chăng? Một phần nhỏ có xen vào cái ý ấy thôi. Còn phần lớn do ý chí của chúng tôi làm nên. Hơn nữa, chúng tôi luôn được các thầy cô lãnh đạo của trường, của khoa quan tâm nên đã mời được rất nhiều các GS, TS đầu ngành từ Hà Nội vào thỉnh giảng, nói chuyện các chuyên đề, các học phần thật là lý thú và bổ ích. Trong số đó phải kể đến những tên tuổi nối tiếng như: GS Phan Trọng Luận, GS Phùng Văn Tửu, GS Nguyễn Văn Long, GS Lê A, GS Nguyễn Xuân Nam, GS Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng, TS Nguyễn Xuân Kính, TS Lã Nhâm Thìn, TS Chu Văn Sơn…Những người thầy đáng kính ấy đã trở thành thần tượng của hết thảy các bạn sinh viên chúng tôi. Có những bạn còn ảnh hưởng đến cả phong cách ăn mặc của các thầy nữa chứ. Điều đặc biệt là nhà văn Kiều Vượng đã làm cầu nối để Hội nhà văn Việt Nam nhận khoa Khoa học xã hội của nhà trường làm đỡ đầu, hàng năm đã có những buổi nói chuyện của các nhà văn lớn khiến chúng tôi thực sự hứng khởi và vỡ ra nhiều điều bổ ích.

Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202210/Images/z3828848540992-38eecb55113f47da455fc338d493b030-20221025092429-e.jpg

Ký Ức Cùng Năm Tháng Sinh Viên

 

Thế hệ của chúng tôi nghèo đấy, nhưng đã thấm vào đâu so với thời cha chú của chúng ta đi học. Dẫu là đến tháng nhận mấy đồng trợ cấp còm cõi từ phía gia đình. Nhưng tằn tiện chi tiêu vẫn đủ sinh hoạt, trang trải cho một tháng. Muốn có tiền đi sinh nhật bạn bè, đi picnic, đi nhậu với mấy anh em thì lứa sinh viên chúng tôi chỉ còn biết cách thí triển các tài lẻ của mình. Có bạn đi gia sư, có bạn đi phụ bốc vác hàng hóa cho các đại lý lớn, có bạn mua sách báo cũ bán cân từ Hà Nội đem về nhập cho các quầy sách ở quê. Riêng với tôi, tập tành, mon men viết mấy bài thơ, dăm ba đoản văn rồi gửi cho các báo. Có những tháng thu nhập cũng khá phết. Nếu được in ở báo Trung ương thì nhuận bút từ 6- 8 chục ngàn/ 1 bài. Còn báo địa phương thì dao động từ 3- 5 chục ngàn. Có tháng tôi được đăng 7- 8 bài, vậy là tháng đó kể ra tôi cũng có thêm được 3- 4 trăm ngàn, cộng với tiền bố mẹ cho cũng rủng rẻng để tiêu. Các cụ hàng tháng cho tôi 200 ngàn với một bao gạo, hỏi xung quanh bạn bè cũng gần như đều như vậy. Nếu ta chịu khó quan sát, để ý có bạn nào cứ chốc chốc lại về nhà thì ắt hẳn gia cảnh nhà bạn thật là vất vả, trật vật. Ba bốn chục cây số mà đạp xe cà tàng về được nhà là khá vất vả đấy chứ. Về với mục đích chính là xin tý tiền, mục đích phụ là kiếm bữa cơm có tý chất tanh. Còn một số bạn có khiếu mua chịu thì cũng cố ở lỳ, vì về nhà chắc gì đã được cải thiện tình hình. Rồi những bạn ru rú ở phòng trọ, đắm chìm nơi thư viện… tất cả đều là các đối tượng gia đình khó khăn. Và đối tượng khó khăn của chúng tôi vào thời điểm lúc bấy giờ phải chiếm tới 2/3 chứ chả ít.

Nghèo đấy nhưng thật vui, thế hệ chúng tôi đã có ai nghe đến căn bệnh tự kỷ bao giờ. Đạm bạc đấy, nhưng thật hoành tráng, thế hệ chúng tôi có ai bị căn bệnh tự ti bao giờ. Ăn khỏe, chơi khỏe, học khỏe…tất cả đều vô tư và không hề vướng bận bởi gia cảnh để làm gì. Có nhiều bạn móng tay vàng khè vì những ngày nghỉ phải tranh thủ đi cấy cày với mẹ. Có những bạn mặc những bộ đồ dày như mo nang, thô ráp vì mới mua vội của những bà bán hàng siđa đẩy ngang qua phố… Nhưng tuyệt nhiên trong lòng không hề mặc cảm. Đã thế còn giễu khắp đó đây để giương cao tính tự hào về những điều đó nữa chứ.Chính những đạm bạc, đơn sơ ấy đã bồi đắp cho chúng tôi có cuộc sống rắn rỏi của mình.

Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202210/Images/z3828789187297-2acf592ba7e2f2da4f6b3ae012abfb50-20221025091028-e.jpg

Thầy Nguyễn Văn Bồng (Ảnh Trái) - Trưởng Khoa KHXH & Sinh viên Phạm Văn Dũng (Ảnh phải)

 

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường cho phép em được gửi ngàn lần lời cảm ơn và lòng biết ơn đến các thầy cô của trường Đại học Hồng Đức, cảm ơn đến tất cả đến Thầy cô làm công tác Thư Viện đã trao cho chúng em ngọn lửa niềm tin về những trang sách để chúng em bước đi trên con đường tri thức và sự nghiệp vững vàng hơn.  Nhờ công sức của các thầy cô mà chúng em có được sự lớn khôn, trưởng thành như ngày hôm nay. Nhờ mái trường trong tỉnh có cấp đào tạo cao nhất là bậc Đại học để những học trò nghèo như chúng em thực hiện được mơ ước của mình. Xin được cảm ơn tất cả với tấm lòng thành kính nhất.

 

                                                                      Phạm Văn Dũng

                                                                    Cựu SV K1B - Ngữ văn- ĐH Hồng Đức

                                                                     HT. Trường THCS Cầu Lộc- Hậu Lộc- Thanh Hóa.

                                                                        ĐT: 0914056559

                                                             

                                                            Biên tập và giới Thiệu bài viết

                                                                Nguyễn Tuấn BBT Website Thư Viện

 

 

 

Tin liên quan