15/03/2025
Nhiều công trình nghiên cứu liên quan tới Có khi là lời giới thiệu về một thời kì, một giai đoạn, có lúc là một đề cương văn học sử mới phác thảo, đây là 10 một chuyên luận về một phong trào, kia là một bộ lịch sử văn học Việt Nam trọn vẹn chưa đầy đủ... Tất cả đều là những đóng góp đáng quý, nhưng chưa có công trình nào thể hiện cái nhìn bao quát về toàn bộ lịch sử văn học dân tộc.
Cuốn QUY LUẬT PHÁT TRIỂN LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM của Giáo sư Lê Trí Viễn đã bổ sung những vấn đề chưa được đề cập một cách hoàn chỉnh đó. Lịch sử văn học Việt Nam có nhiều hiện tượng có tính đặc thù cần được lí giải. Để làm được việc ấy, phải có một cái nhìn xuyên suốt toàn bộ lịch sử văn học dân tộc, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học cổ đại đến văn học hiện đại. Giáo sư Lê Trí Viễn có được những điều kiện thuận lợi để thực hiện yêu cầu này. Đó là mấy chục năm giảng dạy, làm chương trình, nghiên cứu, biên soạn sách, chủ trì biên soạn bộ Lịch sử văn học Việt Nam. Sau nhiều năm đi vào đề tài này, tác giả đã đạt được thành tựu và đã có đóng góp nhiều cho sự nghiệp Giáo dục Đào tạo của nước nhà.
Lần theo tiến trình của văn học dân tộc với vô vàn hiện tượng, tác giả đã phát hiện ra một số đặc điểm quan trọng, trước đây gọi là những đặc điểm có tính quy luật, nay qua thử thách trong dư luận, mạnh dạn gọi là những quy luật. Đó là những đường hướng phát triển hầu như tất yếu của văn học : văn học đã phát triển theo những đường hướng ấy và có theo những đường hướng ấy văn học mới phát triển. Như vậy không phải chỉ là cắt nghĩa cái đã qua mà còn mong dự báo cho cái đang tới và sắp tới.
Để thấy rõ sự phát triển có tính chất đặc thù của lịch sử văn học Việt Nam (sự phát triển có tính quy luật), tác giả đặt văn học dân tộc trong bối cảnh chung của văn học các nước, nhất là các nước trong khu vực bằng cách đánh giá thành tựu của các ngành : lịch sử, khán cổ, dân tộc học, ngôn ngữ học, lí luận văn học, mĩ học, lịch sử văn học... bằng phương pháp lịch sử tư tưởng, phương pháp văn học so sánh.
Mỗi quy luật được thuyết minh, lí giải làm rõ bức tranh toàn cảnh về lịch sử văn học dân tộc theo phương hướng của quy luật ấy. Trong đó, tác giả đã tổng hợp nhiều ý kiến đã có, nhưng chủ yếu là sáng tạo.
Với cách nhìn nhận và đánh giá này, cuốn sách không chỉ cung cấp những tri thức mới, mà quan trọng hơn là đề ra một cái nhìn tổng quát có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nghiên cứu và giảng dạy về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Mặc dù tác giả có cố gắng nhiều nhưng những vấn đề đặt ra trong sách này đều đang còn ở dạng mở và mong đợi sự đóng góp ý kiến của độc giả.
Với nội dung như vậy, chúng tôi hi vọng sách sẽ giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu, giảng dạy, nhận thức chung về lịch sử văn học dân tộc cũng như việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm đối với người đọc. Nó sẽ là một cuốn sách quý trong tủ sách tham khảo của bạn đọc muốn tìm hiểu văn học dân tộc, của giáo viên, sinh viên đại học, cao đẳng, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Hiện cuốn sách đang được xếp giá tại Thư viện Đại học Hồng Đức xin trân trọng đến toàn thể bạn đọc gần xa./.
Ban biên tập