05/10/2022
Dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã có cách thể hiện độc đáo tư tưởng, quan điểm của mình qua sáng tác dân gian. Đó là kho tàng tri thức tổng hợp về thế giới, là kinh nghiệm sản xuất, là quan niệm về cuộc sống, về con người, về nhân loại và về cộng đồng dân tộc mình…Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam là một trong những cách thể hiện độc đáo đó. Những tư tưởng, quan điểm của con người Việt Nam qua thành ngữ, tục ngữ nói riêng và văn học dân gian nói chung đã chứa đựng nội dung mang tính triết lý sâu sắc. Trong kho tàng, thành ngữ, tục ngữ, tư duy triết lý có tầm khái quát của người Việt thể hiện một cách cô đọng, logic, tuy rằng nó không cụ thể rõ ràng bằng các quan điểm, thể hiện bằng các khái niệm, phạm trù như triết học phương đông, phương tây thể hiện qua những “trước tác” tiêu biểu, nhưng nó lại thể hiện một cách rất riêng. Người Việt nam khi thể hiện những quan điểm của mình gửi gắm qua thành ngữ, tục ngữ đã chứa đựng nhiều yếu tố triết học; và kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam chính là tư tưởng chung của dân tộc luôn được bổ sung, phát triển và đã đóng vai trò định hướng cho hành động của người dân trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Cuốn sách triết lý về con người trong thành ngữ, tục ngữ của tác giả: Bùi Văn Dũng sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu, “phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể làm nền tảng cho sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, giữa các vùng cả nước và giao lưu văn hóa với bên ngoài” và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt hơn và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… dưới góc độ triết học triết lý về con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, từ thời đại lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Trong khuôn khổ của cuốn sách này, tác giả mong muốn góp một cái nhìn về triết lý về con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam – Một vấn đề khá mới mẻ và hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé vào việc luận giải về tư tưởng triết học trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam.
Chương 1: Một số lý luận về thành ngữ, tục ngữ và triết lý về con người trong các tư tưởng triết học.
Chương 2: Triết lý về nguồn gốc và bản chất con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.
Chương 3: Triết lý về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.
Chương 4: Triết lý về một số lĩnh vực liên quan đến đời sống con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường, ban biên tập website Thư Viện xin tri ân đến toàn thể quí bạn đọc Cuốn sách: “Triết lý về con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của tác giả Bùi Văn Dũng là một cuốn sách hay mang đầy ý nghĩa. Các bạn và thầy cô có thể tìm đọc sách tại Thư Viện trường Đại học Hồng Đức.
Tin bài: Nguyễn Tuấn BBT Website Trung tâm Thông tin - Thư viện