Vết thương đá - Nỗi đau chiến tranh trong thơ Nguyễn Minh Khiêm

05/11/2024

Vết thương đá (NXB Văn học 2009) của Nguyễn Minh Khiêm vừa trĩu nặng ở suy tư vừa gợi mở ở thi tứ, thi ảnh. Chạm vào Vết thương đá là chạm vào nỗi đau chiến tranh - một cuộc chiến “mang khuôn mặt đàn bà”, hiện hữu như đá và mang mang huyền thoại...
Media\2024_tttv.hdu.edu.vn\FolderFunc\202411\Images/1f9a7455-20241104025739-e-1-20241105074215-e.jpg

Hoàng Thị Huệ. Ts, Gv khoa KHXH, tham luận bài viết:  "Vết thương đá  - Nỗi đau chiến tranh trong thơ Nguyễn Minh Khiêm"

Không trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút như lớp nhà thơ - chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ “hùng vĩ đau thương, hùng vĩ máu xương” của dân tộc, với Nguyễn Minh Khiêm, dường như đó lại là “điểm mạnh”, là “lợi thế” (như lời ông tâm sự) khi viết về chiến tranh. Có lẽ điểm nhìn của người đứng ngoài cuộc chiến với độ lùi nhất định đã đem đến cho ông một sự điềm tĩnh cần thiết để có được cái nhìn đa chiều. Đó cũng là sự ý thức về trách nhiệm của người viết, ý thức về cái viết để tạo ra một cách viết riêng. Vết thương đá (NXB Văn học 2009) của Nguyễn Minh Khiêm vừa trĩu nặng suy tư vừa gợi mở ở thi tứ, thi ảnh. Chạm vào Vết thương đá là chạm vào nỗi đau chiến tranh - một cuộc chiến “mang khuôn mặt đàn bà”, hiện hữu như đá và mang mang huyền thoại...

1. “Huyền thoại chiến tranh” - huyền thoại mẹ

Chiến tranh ở một vùng đất nào đó có thể hiện diện khác, nhưng trên dải đất hình chữ S chiến tranh đích thực “mang khuôn mặt đàn bà”. Nỗi đau chiến tranh, vết hằn chiến tranh, thật xót xa, lại kết thành những âm ỉ, chủ yếu và trực tiếp đè nặng trên đôi vai, trong những cuộc đời phụ nữ mà nhất là những bà mẹ. Viết về vết thương chiến tranh từ điểm nhìn này là lựa chọn của không ít người cầm bút. Thật may, trong mạch viết tưởng chừng quen thuộc ấy, Nguyễn Minh Khiêm vẫn mở được lối đi cho thơ mình, tạo lập được một cách viết khác. Cái khác ấy, không đơn thuần chỉ là cảm hứng, nó là tư duy thơ - một lối tư duy hiện đại trên nền của những hình ảnh, biểu tượng mang tính truyền thống. Từ kiểu tư duy đó, Nguyễn Minh Khiêm đã tạo ra những kết hợp đầy sức gợi giữa cái bình dị và trừu tượng, hiện hữu và hư vô, thực tại và xa vắng, cụ thể và huyền thoại... cho hệ thống thi ảnh, thi tứ. Mẹ hiện hữu, bình dị trong những lần tiễn con ra trận và huyền thoại, vĩ đại trong những niềm đau... Huyền thoại chiến tranh cũng là huyền thoại mẹ. Bằng trực cảm, cảm xúc, bằng cả vốn văn hóa truyền thống trên nền tư duy thơ hiện đại, Nguyễn Minh Khiêm dù không xác quyết nhưng cũng đã rất thuyết phục, rằng phải là huyền thoại mới đủ khả năng lý giải cho những vết thương chiến tranh của đời mẹ, mới có thể dịu vơi phần nào những buốt nhói mẹ mang. “Lại một người con của mẹ không về! Lại người nữa; Lại thêm người nữa! Chiến tranh đi qua; Chín người con của mẹ không về!”. Vẫn biết chiến tranh là không có ngày thường, người thường; là biến cái bất thường thành cái bình thường, là những người bình thường cũng buộc phải trở thành anh hùng. Nhưng dù có thế, nỗi đau “chín người con của mẹ không về” thực sự là quá ngưỡng sức chịu đựng của một người bình thường. Nguyễn Minh Khiêm, theo một cách riêng, đã huyền thoại hóa nỗi đau của mẹ, để vết thương chiến tranh - vết hằn của đá bớt sắc nhọn. Cách nhà thơ mượn tích xưa, phủ màu huyền thoại trong hình ảnh, biểu tượng không đơn thuần để tôn vinh, để nâng tầm vóc mẹ trong ngợi ca sáo rỗng, sâu xa hơn còn là để xoa dịu chính nỗi xót xa con. “Huyền thoại chiến tranh” - huyền thoại mẹ, được viết bằng hai mạch chủ đề chính: sự bình dị đến vĩ đại, huyền thoại của mẹ trong những chịu đựng, hi sinh và sự hạn hữu, bất lực của con, của mỗi chúng ta trước nỗi đau của mẹ: “Tóc bạc xòa ngang khung cửa! Thời gian vỡ tung ra; Trái tim bao nhiêu đứt gãy! Câu thơ con không thể nào hàn lại; Những nỗi đau; Chỉ xin làm một miếng trầu... Ngày xưa có người mẹ trông con không ngủ; Nhai trầu qua đêm;T đống bã trầu mẹ vứt đã mọc lên; Một cây hoa đỏ rực...; Đất nước này còn kể mãi cho nhau; Về cây hoa như bã trầu dập nát...”. Đoạn thơ trùng trùng hình ảnh, thực và ảo, thực như mái tóc bạc phơ của mẹ, như nghìn miếng bã trầu mẹ đã ăn trong những đêm dài không ngủ ngóng chờ từng đứa con; ảo huyền như khoảng kí ức thời gian xa lắc cổ tích với “cây hoa như bã trầu dập nát”. Cùng với hình ảnh, biểu tượng, sự kết hợp của hai mạch chủ đề làm nên tầm tư tưởng của bài thơ. Điểm nhìn huyền thoại làm cho thơ viết về mẹ và nỗi đau chiến tranh của Nguyễn Minh Khiêm không quen thuộc xưa cũ mà đầy sức gợi. Cái hay của thơ, sức hấp dẫn của thơ, dù đổi mới hay cách tân, vẫn là khả năng gợi mở. Thơ Nguyễn Minh Khiêm có được sức gợi ấy!

Bài thơ Chúng con xin mẹ, dù không có những hình ảnh mang màu sắc huyền thoại nhưng mẹ vẫn huyền thoại trong cảm nhận con. Sự hi sinh lớn lao đến bình dị của mẹ mãi là huyền thoại: “Cả trái núi mẹ đã cho rồi; Để nhận lại viên đá này làm cầu ao mẹ tắm!; Mẹ cho cả bở tre, Chúng con biếu mẹ một cành để làm gậy chống”. Vẫn là sự đan xen hai mạch thơ, hai mạch chủ đề để làm thành một mạch tư tưởng, Chúng con xin mẹ, không chỉ là xin những thứ tha cho những tầm thường vụn vặt mà là cái cúi đầu thành kính trước tất cả những bình dị thiêng liêng mẹ đã hiến dâng cho đời, cho đất nước, cho chính chúng con.

Viết về mẹ và nỗi đau chiến tranh, sự lựa chọn này dễ chạm đến trái tim. Nhưng để vừa bay bổng gợi mở vừa mắc lại trong suy tư thì không dễ. Ở nhiều bài trong mạch cảm xúc thơ này, Nguyễn Minh Khiêm đã làm được điều đó. Thi tứ của bài thơ “Chiếc võng” không dẫn dụ mê hoặc trong không gian huyền thoại với hình ảnh, biểu tượng nhưng thi cảm thơ vẫn ánh lên sắc màu huyền thoại - huyền thoại trong chính cách nghĩ suy giản dị mà lớn lao của mẹ, huyền thoại trong sự ngưỡng vọng về tấm tình sâu nặng đến quặn thắt mẹ trao. Mẹ, như bao bà mẹ, thương con đến dứt ruột: “Những hôm trời trở gió heo may; Mẹ cởi áo đắp cho từng tấm ảnh; Mẹ lần tay xem chỗ nào con lạnh; Ngủ ngon các con!”. Mẹ lại cũng kì vĩ lớn lao trong tâm thế của một bà mẹ Tổ quốc : “Mẹ cứ ru qua mùa nắng mùa mưa; Lớn nhanh các con, vì dân vì nước; Nếu có giặc các con đi đánh giặc; Mẹ cất chiếc võng này phần thế hệ mai sau”. Cứ như thế, bình dị và huyền thoại, “vạt áo bạc nắng” của mẹ thành “dịu mát ánh trăng”,  đủ rộng “ủ mười nghìn giấc mơ”, giấc mơ tuổi trẻ của những đứa con nằm lại nơi Thành cổ. Cứ như thế, sau buổi gặp mặt Mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ đã ra về “Hoa để lại phía sau; Quả để lại phía sau; Để lại phía sau hương thơm và vị ngọt; Các mẹ dìu nhau đi”. Cái bình dị đã được nâng lên thành vĩ đại, thành huyền thoại, huyền thoại trong chính những bình dị. Trước cái cao cả đến bình dị của mẹ, lời thơ câu hát của con không thể rung lên ở nốt cao mà hạ xuống bè trầm đầy xúc động và yêu thương “lả xuống đầu gối mẹ”...

Thơ viết về chiến tranh, về nỗi đau của mẹ trong và sau cuộc chiến của Nguyễn Minh Khiêm, như đã nói, luôn có một sự chồng lấp, đan xen hai mạch chủ đề: Sự lớn lao, bao dung như trời biển, như huyền thoại của mẹ và những nhỏ bé, bất lực, xót xa nơi con. Tư duy ấy làm cho thơ không rơi vào lối tụng ca đơn thuần, cũng không giáo huấn răn dạy. Chân thành, sâu lắng trong tình cảm và bay bổng, gợi mở từ những hình ảnh, biểu tượng, Nguyễn Minh Khiêm đã tạo được dấu ấn cho mảng đề tài quen thuộc nhưng vẫn đầy sức hấp dẫn này.

2. Khoảng lặng trong cánh cổng - nốt trầm tặng khúc thanh xuân đời chị

Chiến tranh không của riêng ai, xót xa hơn, chiến tranh mang khuôn mặt đàn bà. Không chỉ viết về nỗi đau của những người mẹ, Vết thương đá còn khắc niềm đau mang tên chị - những người gửi lại tuổi xuân phơi phới nơi chiến trường, trở về sau cuộc chiến với nỗi cô đơn dài dặc và những người mất đi nửa cuộc đời mình khi người chồng mãi mãi nằm lại nơi cánh rừng Trường Sơn... Thấu hiểu và cảm thông, góc nhìn này về chiến tranh trong thơ Nguyễn Minh Khiêm đã đem đến cho người đọc không ít những xa xót.

Viết về các chị - những người bước ra từ cuộc chiến hào hùng rồi Lặng lẽ một mình nơi xóm vắng, Nguyễn Minh Khiêm không viết bằng cảm hứng huyền thoại như thơ dành cho mẹ. Có lẽ, trong suy tư, xúc cảm của nhà thơ, tuổi xuân phơi phới ấy phải là cuộc đời, là thực, là sức sống thịt da, là nỗi đau trần thế: “Chị đem áo hong lại thời xuân trẻ; Sợi dây trùng nhăn vệt sống lưng”. Bi kịch của chiến tranh, ở góc nhìn này đời thường và xa xót. Các chị là những người con gái đã tự nguyện hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, bằng lí tưởng, bằng khát vọng tuổi trẻ. Sau cuộc chiến, thanh xuân để lại, lí tưởng theo “vòm trời con gái” cũng trôi xa, chị đối diện với chính mình trong “tròng trành chao đảo”, giữa niềm tự hào kiêu hãnh nền nếp gia phong dòng họ với “thịt da nổi loạn”:  “Chị lại gánh tuổi mình vượt qua mùa gió; Gánh mười tám đôi mươi từ hố bom hố đạn chạy về; Giấc mơ vỡ vòm trời con gái; Khuôn mặt rạ rơm nứt nẻ đợi mùa; Lồng ngực rạch lên những tia chớp; Không hòa giải được những lần da thịt nổi loạn... Chợt nhận ra mình đang giữ lời thề sau cơn thèm tã lót phơi bên hàng xóm”. Dòng thơ giãn nở tự do, kéo dài như chở nặng những kí ức thanh xuân với những xót xa nuối tiếc, những khát thèm đời thường phía sau cuộc chiến. Chiến tranh đã đẩy mỗi người vào những bi kịch khác nhau. Nhưng bi kịch của các chị, những người chia thanh xuân, chia một nửa đời mình cho đất nước, dường như gặp nhau ở một điểm: bi kịch đối diện với chính mình trong tàn úa thời gian, trong cháy bỏng khao khát hạnh phúc đời thường: “Ngày tết sợ lời mừng tuổi; Gội đầu sợ nhìn màu tóc; Phần mượt mà tướp trong bom đạn; Phần xanh tướp trong đêm trắng; Phần duyên dáng tướp trong quên lãng” để rồi “Một đời đan lỗi” những sợi đời mình. Thấu hiểu và thương cảm, cái tôi trữ tình của nhà thơ ở những bài thơ viết về chị, viết cho chị dường như đã hòa nhập vào nhân vật trữ tình, từ điểm nhìn bên trong để nói bằng những lời thầm kín, để san sẻ những điều riêng tư. Điểm nhìn này giúp nhà thơ đi được đến tận cùng thân phận người phụ nữ sau cuộc chiến, khắc ghi bi kịch đời họ ở những góc tinh tế nhất.

Không huyền thoại như thơ viết về mẹ, ở những bài về chị, thơ Nguyễn Minh Khiêm vẫn giàu sức gợi. Sự gợi mở trong những bài thơ ấy đến từ những hình ảnh gắn liền với thanh xuân, với quãng đời con gái: trang nhật kí, chiếc áo, lược, gương, nước hoa, bồ kết, giấc mơ, vòm trời con gái,... và cả những hình ảnh mang chở nỗi khát thèm bản năng giới nữ. Tinh tế, sâu lắng, Nguyễn Minh Khiêm đã gieo một khoảng lặng để những thanh âm chiến tranh rung lên ở nốt trầm xa xót cho khúc tưởng niệm thanh xuân đời chị và nhất là cho những bi kịch dang dở chị mang...

Nguyễn Minh Khiêm là nhà thơ đã từng đạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 2015-2016 với chùm thơ về chiến tranh. Trong mảng đề tài quen thuộc mà vẫn đầy hấp lực này, những bài hay nhất của Nguyễn Minh Khiêm là những bài dành cho mẹ và chị. Từ những bài thơ ấy, theo một cách riêng, nhà thơ đã khắc chạm tinh tế và sâu lắng một cuộc chiến “mang gương mặt đàn bà”. Là một huyền thoại mẹ hay nốt trầm khúc thanh xuân đời chị, Nguyễn Minh Khiêm đều viết bằng một cảm xúc thơ sâu nặng, một tư duy thơ hiện đại. Dù đến được bao nhiêu trong cảm nhận của người đọc thì tôi tin nhà thơ vẫn rất hạnh phúc, cái hạnh phúc của một người hiểu được sự hữu hạn của thơ mình để lại tiếp tục lao động trên cánh đồng chữ nghĩa. Dù nhà thơ có cảm thấy mình thật bất lực “Câu thơ con không thể nào hàn lại; Những nỗi đau” thì thơ ông, những bài về mẹ, về chị và nỗi đau chiến tranh - vết thương đá cũng đã ngời lên vẻ đẹp của sự cảm phục, trân trọng, biết ơn, vẻ đẹp mang giá trị nhân văn.

Hoàng Thị Huệ. Ts, Gv khoa KHXH

Thanh Hóa, ngày 20/10/2024

Tin nổi bật

Nổi bật

TIN LIÊN QUAN