Bộ đội về làng

17/07/2024

Nguồn video (youtube)

(Baohatinh.vn) - Nhà thơ Hoàng Trung Thông được nhiều độc giả và đặc biệt là các thế hệ học sinh biết đến qua các bài thơ trong trích giảng văn học Bài ca vỡ đất, Anh chủ nhiệm và Bộ đội về làng. Riêng tôi, từ thuở là học sinh lớp 4 đã thuộc lòng bài thơ Bộ đội về làng. Bài thơ này còn có một tiêu đề khác là: Bao giờ trở lại?

 

 

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Sức truyền cảm của bài thơ thật sâu sắc. Nhịp điệu, ngôn ngữ và hình ảnh xoáy vào nội tâm người đọc. Nhà thơ đã sử dụng những ngôn ngữ bình dân để thể hiện tình cảm chân thành, mộc mạc giữa những người dân nghèo và anh bộ đội sau trận đánh trở về làng trong những năm kháng chiến chống Pháp, qua những hình ảnh giản dị: bóng hình quê hương, bóng hình các mẹ, các chị áo nâu sồng, chân đất và theo sau các anh là những em bé hồn nhiên, ríu rít.

Bài thơ vẽ lại một cách sinh động bức tranh anh bộ đội về làng. Đoàn quân đi giữa muôn ánh mắt, muôn nụ cười rạng rỡ trong sự vui mừng khôn xiết của cả làng quê.

Chỉ một thoáng về làng, nhưng đã thành kỷ niệm thiêng liêng, để lại dấu ấn không thể phai nhòa. Một niềm tin, một sự đợi chờ, nhớ mong khắc khoải.

Bao giờ trở lại?, điệp khúc ấy được thể hiện từ đầu đến cuối bài thơ như dồn nén tất cả tình thương nhớ của người dân. Tình thương ấy hiện lên từ đôi mắt, tấm lòng, từ sự thủy chung, chín đợi, mười chờ để gieo vào lòng mỗi chiến sỹ nỗi xuyến xao. Và họ thấy mình phải quyết tâm, dũng cảm và ngoan cường hơn nữa, bởi sự chờ mong của làng quê cũng là sự chờ mong của cả dân tộc.

Trong câu chuyện tâm tình của người dân với người lính, tác giả đã thay mặt họ báo công với những trận thắng giòn giã. Thắng lợi ấy, đằng sau đó là sức mạnh hậu phương luôn luôn sát cánh. Không những lo sản xuất để có lương thực gửi ra mặt trận, nhiều người ở quê nhà còn tham gia đoàn dân công, rầm rập lên biên giới để phục vụ tiền tuyến:

Làng tôi thắng lợi vụ chiêm

Lúa thêm xanh ngọn, khoai thêm thắm vồng

Giảm tô hai vụ vừa xong

Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường

Từ tứ thơ này, Hoàng Trung Thông một lần nữa cắt nghĩa: bộ đội là con đẻ của nhân dân và chiến thắng của những người lính ở mặt trận có công lao to lớn của nhân dân.

Chiến tranh dẫu đã lùi xa, hình bóng anh vệ quốc quân, hình bóng làng tôi nghèo mái lá nhà tranh chỉ còn trong ký ức, nhưng sao người đọc vẫn thấy “bịn rịn”, như cái ngày “mẹ già bịn rịn áo nâu” chuẩn bị sẵn nồi khoai lang và bát nước chè tươi đón bộ đội về làng.

Bộ đội về làng

Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi

Các anh đi

Bao giờ trở lại?

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.

Làng tôi nghèo

Nho nhỏ bên sông

Gió bấc lạnh lùng

Thổi vào mái rạ

Làng tôi nghèo

Gió mưa tơi tả

Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi.

Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con ở rừng sâu mới về.

Từ lưng đèo

Dốc núi mù che

Các anh về

Xôn xao làng bé nhỏ

Nhà lá đơn sơ

Nhưng tấm lòng rộng mở

Nồi cơm nấu dở

Bát nước chè xanh

Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau

Anh giờ đánh giặc nơi đâu

Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?

Làng tôi thắng lợi vụ chiêm

Lúa thêm xanh ngọn, khoai thêm thắm vồng

Giảm tô hai vụ vừa xong

Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường

Dẫu rằng núi gió đèo sương

So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi!

Bấm tay tính buổi anh đi

Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?

Lúa xanh xanh ngắt chân đê

Anh đi là để giữ quê quán mình

Cây đa, bến nước, sân đình

Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường

Hoa cau thơm ngát đầu nương

Anh đi là giữ tình thương dạt dào

Các anh đi

Khi nào trở lại?

Xóm làng tôi

Trai gái vẫn chờ mong

Chờ mong chiến dịch thành công

Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ

Anh đi chín đợi mười chờ

Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?

Phan Thế Cải

Nguồn: https://baohatinh.vn/bo-doi-ve-lang-post89973.html

Tin nổi bật

Nổi bật

TIN LIÊN QUAN