07/06/2022
Hoạt động thí nghiệm tại phòng thí nghiệm quang tử của Khoa Khoa học Tự nhiên.
Hiện thư viện Trường Đại học Hồng Đức đã được đầu tư khang trang, hiện đại với quy mô 5 tầng đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị; kho dữ liệu được sắp xếp, bố trí khoa học theo chuyên ngành, phân môn. Trong đó, tầng 1 phục vụ người dùng sử dụng máy tính để tra cứu và sử dụng nguồn tài nguyên số; tầng 2 và 3 là kho tài liệu cho mượn về nhà hoặc đọc tại chỗ; tầng 4 kho tài liệu đọc tại chỗ... Ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: Thư viện nhà trường có hơn 15.000 đầu sách các loại với khoảng 160.000 bản sách in phục vụ công tác đào tạo và NCKH. Ngoài ra, thư viện có khoảng 8.000 tài liệu nội sinh như luận văn, luận án, đề tài khoa học các cấp... Riêng tài liệu số, nhà trường đã hợp đồng mua nguồn tài liệu số từ Tailieu.VN với hơn 1,7 triệu tài liệu khác nhau phục vụ tra cứu trực tuyến. Đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực phục vụ của thư viện cũng như phục vụ trực tiếp cho những chương trình, kế hoạch trọng tâm của nhà trường, hằng năm nguồn tài liệu trong thư viện được rà soát và bổ sung. Đơn cử như năm học 2020-2021 vừa qua, thư viện nhà trường đã được bổ sung 411 đầu sách, 1.036 bản, góp phần khắc phục dần tình trạng thiếu tài liệu, giáo trình của những năm trước, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Qua thống kê, trong năm học vừa qua thư viện nhà trường đã thu hút 6.172 lượt người đến tra cứu thông tin, mượn tài liệu... Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH trong nhà trường.
Cùng với thư viện, các phòng thí nghiệm của Trường Đại học Hồng Đức cũng được quan tâm đầu tư và đang phát huy tối đa công năng sử dụng. Khoa Khoa học Tự nhiên là một trong những khoa được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm khá đồng bộ. Hiện khoa có tới 16 phòng thí nghiệm các chuyên ngành khác nhau, trong đó có 2 phòng thí nghiệm phục vụ sau đại học và nghiên cứu các đề tài khoa học cấp cao đó là phòng thí nghiêm quang tử và phòng thí nghiệm Hóa - Sinh. Qua ghi nhận, các phòng thí nghiệm, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm sau khi được đầu tư đều được cán bộ, giảng viên (CBGV), SV sử dụng, bảo quản tốt và mang lại nhiều kết quả. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Xuân Lương, Trưởng Khoa Khoa học Tự nhiên, cho biết: Vai trò, hiệu quả mà các phòng thí nghiệm trong trường đại học mang lại là rất lớn. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả NCKH trong nhà trường nhất thiết phải đầu tư phòng thí nghiệm với những trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Đối với Khoa Khoa học Tự nhiên, việc đầu tư các phòng thí nghiệm càng quan trọng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để gắn lý thuyết với thực hành. Thông qua phòng thí nghiệm mỗi CBGV, SV có thể thực hiện khát khao của mình trong nghiên cứu, học tập, biến những kiến thức hàn lâm thành kết quả thực tiễn thông qua các đề tài khoa học. Minh chứng cho thấy, từ năm 2020 đến nay, nhờ sử dụng những trang thiết bị của phòng thí nghiệm, CBGV của khoa đã nghiên cứu, thực hiện thành công hàng chục đề tài khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước, gồm: Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen vịt Cổ Lũng tại Thanh Hóa” và Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cây Khôi Tía làm nguyên liệu sản xuất thuốc”; 2 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp tỉnh; 62 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu ISI...
Tại Khoa Kỹ thuật – Công nghệ để phục vụ cho công tác đào tạo và NCKH nhiều phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại có giá trị hàng chục tỷ đồng cũng được đầu tư xây dựng như, phòng thí nghiệm vật liệu điện tử, phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử, phòng thí nghiệm kỹ thuật công trình... Trong các phòng thí nghiệm của khoa có những thiết bị thí nghiệm được đầu tư lên tới gần 8 tỷ đồng, như máy hiển vi điện tử quét (SEM)...
Theo thống kê, 5 năm gần đây, CBGV nhà trường đã chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện 293 đề tài, dự án khoa học và công nghệ các cấp. Trong đó 11 đề tài, dự án cấp quốc gia và tương đương; 27 đề tài cấp bộ, 40 đề tài, dự án cấp tỉnh; 215 đề tài cấp cơ sở và hàng trăm bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu ISI, SCOPUS. Hoạt động NCKH cũng thu hút đông đảo SV tham gia ở cả cấp trường, cấp bộ. Đơn cử như năm học 2018-2019 có 104 đề tài NCKH được SV thực hiện; năm học 2019-2020 có 95 đề tài NCKH đã được SV thực hiện; năm học 2020-2021 SV nhà trường cũng đã thực hiện 91 đề tài NCKH... Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như Đề tài “Sinh kế của hộ nông dân gắn với phát triển rừng bền vững tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”, “Phát triển tín dụng xanh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa”...
Với mục tiêu đến năm 2025, Trường Đại học Hồng Đức trở thành trung tâm đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có uy tín trong nhóm các trường đại học hàng đầu của khu vực và cả nước; đến năm 2030 trở thành trung tâm đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ, hội nhập được với các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và quốc tế, trong giai đoạn tới, ngoài việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong dạy, học của tập thể CBGV, SV, nhà trường tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nói chung, thư viện và các phòng thí nghiệm thuộc các chuyên ngành đào tạo nói riêng, tạo điều kiện tốt nhất cho CBGV, SV phát huy hết năng lực của mình trong giảng dạy, học tập và NCKH.
Bài và ảnh: PS (baothanhhoa)