Hiểu đúng về vai trò của thư viện với giáo dục Đại học

25/08/2022

Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202208/Images/book-library-1509787712731-2-20220825101305-e.jpg

Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, Ths Hồ Quốc Phú đã nêu ra những vai trò to lớn của thư viện, đặc biệt là đối với giáo dục Đại học ở nước ta hiện nay.

Cung cấp học liệu phục vụ quá trình giảng dạy và học tập

Nguồn học liệu luôn có vị trí quan trọng trong giáo dục ở bậc Đại học. Bởi nguồn học liệu phong phú sẽ giúp cho giảng viên chuẩn bị và cập nhật bài giảng được đầy đủ, sinh viên có thể khai thác tài nguyên đó một cách tối ưu.

Do đó, sinh viên muốn học tập tốt thì cần tìm đến các nguồn học liệu do giảng viên cung cấp, giới thiệu. Để làm được điều này, thư viện sẽ là địa chỉ hữu ích và tin cậy, là môi trường giúp sinh viên có thể tìm tài liệu phục vụ cho việc học tập hiệu quả.

Khi bàn về hoạt động cung cấp nguồn học liệu phục vụ cho giáo dục đại học, trước hết phải khẳng định, thư viện là nơi cung cấp nguồn học liệu quan trọng nhất. Ở thư viện, sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất.

Đó là những thông tin đã được sàng lọc, đảm bảo tính pháp lý, được thực tiễn kiểm nghiệm và đáp ứng cơ bản nhu cầu của sinh viên. Thư viện hiện nay không chỉ là một trung tâm tri thức, mà còn trở thành một trung tâm thông tin, ở đó không chỉ có sách, báo, tạp chí in trên giấy mà còn có các thông tin tư liệu đã được số hóa và kể cả thông tin từ mạng Internet.

Một số thư viện đại học tiêu biểu có thể kể ra như Trung tâm học liệu Thái Nguyên, trung tâm học liệu Cần Thơ đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của giáo dục đại học hiện đại. Trung tâm học liệu Đà Nẵng hiện nay bên cạnh hệ thống tài liệu truyền thống đã hình thành kho tài liệu số với “trên 2000 tài liệu điện tử” , thư viện đã thực hiện việc kết nối mạng LAN, WAN, Internet…

Trở thành một một yếu tố của quá trình đào tạo Đại học

Công tác thư viện không chỉ tham gia vào hoạt động hỗ trợ giáo dục Đại học, nó còn được xem là một yếu tố của quá trình đào tạo Đại học. Có thể xem thư viện là giảng đường thứ hai của sinh viên, nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động tự đào tạo, tự tích lũy kiến thức.

Yêu cầu đặt ra cho công tác thư viện là phải có các hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng là “giảng đường thứ hai” này. Cần thiết phải đồng bộ hóa hoạt động đào tạo của thư viện với hoạt động đào tạo của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người học thực sự coi thư viện là nơi học tập hiệu quả.

Với tư cách là “giảng đường thứ hai” của giáo dục Đại học, thư viện góp phần hình thành năng lực độc lập trong việc khám phá và tư duy sáng tạo của sinh viên. Việc tiếp cận, chiếm hữu và sở hữu tri thức chỉ thật sự có hiệu quả trên tính tự giác của sinh viên.

Không có một người thầy nào, không có một ngôi trường nào có thể thay thế người học trong quá trình tự chiếm lĩnh tri thức, biến tri thức nhân loại thành kiến thức của bản thân. Sách giáo khoa và giáo trình chỉ là các khung cơ bản của chương trình đào tạo, chính nguồn tài liệu phong phú đa dạng trong thư viện mới thật sự đóng góp vào quá trình hoàn thiện nhận thức, hình thành hệ thống tri thức một cách đầy đủ nhất mà vẫn phản ánh đậm nét dấu ấn của mỗi cá nhân.

Công tác thư viện nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra một môi trường tri thức rộng lớn, đa dạng để sinh viên có thể tự mình học tập, tự mình nghiên cứu.

Thư viện phải trở thành “thao trường cần thiết để sinh viên từng bước tập dượt trên con đường trở thành người có ích, có năng lực và trên con đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ sau này”.

Thiết chế đào tạo phi chính thức

Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời và mất đi nhanh chóng của các loại hình lao động do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nó buộc con người phải có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Với quan điểm tiếp cận mới, đào tạo đại học bên cạnh việc trang bị kiến thức cơ bản, hàn lâm cũng cần phải trang bị kỹ năng để người học có thể tồn tại được trong một thời đại có nhiều sự biến đổi.

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xu hướng hình thành những “công dân toàn cầu” cũng đặt ra yêu cầu buộc sinh viên hiện nay cần phải được trang bị những kỹ năng cần thiết để tồn tại được ở nhiều dạng môi trường xã hội – văn hóa khác nhau.

Điều đó gợi mở cho chúng ta về một vai trò mới của thư viện hiện nay. Hoạt động thư viện cần ngày càng đóng một vai trò tích cực hơn trong quá trình thiết kế, tổ chức các hoạt động văn hóa, góp phần hình thành những kỹ năng cần thiết cho sinh viên.

Thư viện như vậy sẽ là một môi trường đào tạo thứ hai, độc lập với hệ thống các trường đại học, dần dần trở thành một thiết chế đào tạo phi chính thức. Vai trò này tuy chưa định hình rõ song sẽ là xu hướng tất yếu của công tác thư viện trong tương lai.

Thư viện trước đây chỉ là nơi chứa sách, cho bạn đọc tìm kiếm, tìm đọc. Thư viện bây giờ ngoài việc cung cấp thông tin nó còn có những chức năng là một trung tâm văn hóa, thông tin, và sinh hoạt cộng đồng. Mô hình thư viện mở, thân thiện với người đọc mà nhiều trường đại học xây dựng đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của sinh viên, giảng viên đối với việc đọc sách và tổ chức các hoạt động trong không gian thư viện.

Thư viện đang dần trở thành một không gian sáng tạo cho cả sinh viên và giảng viên. Bằng việc tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ, tổ chức các sự kiện như: ngày sách Việt Nam, các buổi hội thảo, thông tin chuyên đề, các hoạt động văn hóa đọc… thư viện từng bước đã trở thành nơi mang chức năng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và làm việc, giao lưu và hợp tác cho tất cả mọi đối tượng, trong đó có sinh viên.

Thông qua các hoạt động văn hóa ở thư viện, sinh viên có cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng, cơ hội trong học tập và chia sẻ các hệ giá trị nhân văn của cuộc sống.

                                                                                                                                                            (Theo Báo mới)      

https://dlcorp.com.vn/hieu-dung-ve-vai-tro-cua-thu-vien-voi-giao-duc-dai-hoc/

Tin nổi bật

Nổi bật

TIN LIÊN QUAN