16/09/2024
Ứng phó với những diễn biến mới của thời tiết ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong trường hợp trời vẫn mưa, nước sông vẫn dâng cao và gây ngập úng thì sẽ ra sao. Rồi vấn đề đối phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tiếp diễn sẽ như thế nào?
Rõ ràng, việc di dời người dân ở vùng có nguy cơ tiếp tục ngập thêm cần phải được tính đến, có phương án cụ thể. Với những vùng có nguy cơ sạt lở, vùng gần đồi núi cao… thì di dời dân là việc phải làm ngay, để đề phòng và đảm bảo an toàn cao nhất. Thực tế cho thấy, những vụ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét đã diễn ra mấy ngày qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đều rơi vào những hộ dân, cụm dân cư, bản làng ở gần sông, suối, dưới các ngọn núi cao.
Song song với việc ứng phó những diễn biến mới của thời tiết; thì việc triển khai công tác khắc phục, cứu hộ, cứu nạn cần phải được tiến hành khẩn trương, quyết liệt. Hiện tại, nhiều vùng bị cô lập thì đã được tiếp tế, hỗ trợ lương thực, nước uống. Nhưng cũng có nhiều vùng do ở quá xa, do nước sông chảy xiết… dẫn tới việc cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết, chưa thể làm được.
Về điều này, chính quyền sở tại là các xã, huyện cần nắm rõ vùng dân cư nào rơi vào tình trạng như vậy, báo cáo lên Trung ương để có hướng xử lý kịp thời. Thậm chí, nếu cần thiết, thì cũng phải tính đến phương án dùng máy bay trực thăng tham gia ứng cứu, thả hàng tiếp tế… để đảm bảo không có bất cứ người dân vùng lũ nào bị đói, bị khát.
Mưa giảm dần, các thủy điện đóng dần cửa xả, lũ lụt trên các sông rồi cũng sẽ phải rút. Dẫu đó là câu chuyện của mấy ngày nữa. Nhưng, việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở lại cần phải được tính đến, ngay từ bây giờ.
Nhìn từ thực tế ngập lũ trên diện rộng ở nhiều bản, làng, nhiều xã, phường, nhiều huyện, thị… ở các tỉnh miền núi phía Bắc; nhìn từ những bản làng, cụm dân cư… bị “xóa sổ” vì sạt lở và lũ quét, lũ ống…, thì đó là khối lượng công việc quá lớn cần phải giải quyết, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Ứng phó với thiên tai đã khó, nhưng khắc phục, tái thiết sau thiên tai cũng khó khăn, vất vả bội phần.
Người dân vùng thiên tai đã quá mệt mỏi vì những ngày giờ chống chọi giữa lằn ranh sinh tử; đã quá mệt mỏi vì người thân, vì tài sản tích cóp bao năm đã bị lũ lụt cướp trắng. Những gia đình khánh kiệt, phút chốc hóa bần cùng; bao gia đình li tán, thậm chí không còn một ai sống sót… vì mưa lũ. Đau đớn quá, xót xa quá. “Sức tàn, lực kiệt”, cái mà người dân vùng thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc “bấu víu”, trông cậy nhất lúc này là sự sẻ chia của cộng đồng cả nước cả về nhân lực, vật lực và tiền bạc.
Đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc rất cần những đoàn quân “Bắc tiến”, cùng với chính quyền và người dân sở tại bới đất, gạt đá, dọn dẹp lại những đổ vỡ, ngổn ngang… sau mưa lũ. Công đoạn này chắc chắn phải mất rất nhiều ngày, thậm chí hàng tháng trời cũng chưa hẳn đã xong. Phương châm chắc chắn, hiệu quả nhất mà các địa phương cần áp dụng, là nước lũ rút đến đâu, vệ sinh dọn dẹp đến đó.
Môi trường vùng lũ cũng đang bị ô nhiễm. Cùng với đó là nguy cơ của một số loại bệnh về mắt, phụ khoa, da liễu… đang hiện hữu. Vì vậy, cơ số thuốc men, công tác phòng chống dịch bệnh cũng cần vào cuộc sớm nhất với tinh thần khẩn trương hơn.
Phương án hỗ trợ người dân tái thiết sau lũ như cây, con giống; hỗ trợ dựng lại nhà cửa bị sập, bị đổ; hỗ trợ những vật dụng thiết yếu của cuộc sống như nồi, xong, chảo… cũng cần phải được tính ngay.
Rồi sách vở, thiết bị dạy học, trường lớp... cũng phải sớm có kế hoạch quan tâm để đảm bảo con trẻ sớm trở lại trường khi lũ rút và điều kiện cho phép.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng cần phải tính đến phương án hỗ trợ lãi suất, giảm, miễn lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức… ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đó cũng là cách để động viên, khích lệ người dân, doanh nghiệp gượng dậy sau mưa lũ.
Quan trọng không kém là các địa phương phải làm sao giữ an toàn cho những tuyến đê, nhất là những đoạn đê xung yếu; đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn các con sông. Bởi, một điều bất trắc thì vùng hạ du các con sông, vùng phía trong đê, và nhiều vùng khác... sẽ khó nói hết những thiệt hại.
Xa hơn, cũng phải tính đến việc tái định cư cho người dân vùng sạt lở, vùng bị lũ quét, lũ ống như thế nào? Việc bố trí, sắp xếp lại dân cư sau đợt lũ lịch sử này chắc chắn sẽ được nhiều địa phương bàn thảo, đặt lên bàn nghị sự. Và cả những công trình, vật dụng, thiết bị phòng chống thiên tai, mưa lũ như hệ thống cầu, cống, ca nô, xuồng máy... sẽ phải được kiểm tra, đánh giá, rà soát trên toàn hệ thống.
Điều đặc biệt, là công tác ứng phó, khắc phục với thiên tai ở các địa phương cần phải được kiểm tra, rà soát, đánh giá lại. Không ai dám nói trước điều gì; nhưng cứ có cảm tưởng rằng, có thời điểm chúng ta bất lực, có chỗ thiếu chủ động trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, dù đã có hẳn một phương án phòng chống mưa lũ cụ thể, theo “4 tại chỗ”.
Các tỉnh miền núi phía Bắc hứng trọn cơn bão Yagi, thiệt hại về tài sản là rất lớn, nhưng thiệt hại về người không nhiều. Tuy nhiên, đến khi hoàn lưu bão Yagi hoạt động mạnh, gây mưa lớn, kết hợp nhiều hồ chứa thủy điện xả lũ thì khi ấy, thiệt hại về tài sản đã không còn có thể đo đếm. Còn nỗi đau về thiệt hại người, cứ thế tăng lên theo từng giờ… Tính đến trưa ngày 11/9, là đã hơn 200 người chết và mất tích, chưa kể hàng trăm người bị thương.
Hình thái thiên tai sạt lở đất, lũ ống, lũ quét rõ ràng là khó dự báo, dự đoán. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh để giảm thiểu thiên tai, nếu như làm tốt hơn công tác khoanh vùng sạt lở; di dời sớm người dân vùng cửa sông, ven suối, vùng dễ ngập úng và nguy cơ lũ quét cao… Bên cạnh đó, cũng không loại trừ việc người dân thiếu chủ động, lúng túng trong di dời ở vùng thấp trũng, di dời khỏi vùng dễ lũ ống, lũ quét, di dời khỏi chân những ngọn núi cao…
Bài học mưa lũ từ các tỉnh miền núi phía Bắc, sẽ luôn luôn mới mẻ cho người dân và chính quyền sở tại; nhưng cũng là cảnh tỉnh cho các vùng miền khác khi mùa mưa bão năm nay mới chỉ bắt đầu.
Nguồn: https://baodantoc.vn/lu-lut-o-cac-tinh-mien-nui-mien-bac-va-nhung-dieu-kien-giai-1726055112478.htm