10/11/2022
Thư viện được coi là nơi lưu giữ, cung cấp thông tin, tri thức cho mọi người, phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo... Tuy nhiên, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I4.0) với nền tảng dựa trên công nghệ số hóa đã có tác động lớn đến lĩnh vực thông tin - thư viện.
Theo các chuyên gia, thư viện cần có chiến lược phù hợp trước I4.0 nhằm mang lại nhiều tiện ích hơn nữa trong việc phục vụ nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao nền tảng tri thức khoa học cho toàn xã hội.
Lưu giữ, cung cấp tri thức truyền thống
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ XVI Liên hợp thư viện Việt Nam về Nguồn tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - (Liên hợp thư viện) do Bộ KH&CN tổ chức vừa diễn ra gần đây tại TP. Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia Trần Đắc Hiến cho biết, “Thư viện” là một thiết chế được cả thế giới công nhận từ hàng trăm năm nay; là nơi lưu giữ và cung cấp tri thức cho mọi người trong quá trình học tập, nghiên cứu và sáng tạo; trung tâm của mọi môi trường giáo dục và nghiên cứu; cầu nối trung gian giữa người tạo ra tri thức và những người sử dụng tri thức.
Trong bất cứ một xã hội phát triển nào, thư viện luôn được quan tâm đầu tư và giữ vị trí quan trọng trong các chiến lược phát triển của quốc gia.
Hiện nay, chúng ta đang trải qua thời đại của I4.0 với đặc trưng là nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số - công nghệ sinh học - công nghệ vật lý. Trong lĩnh vực công nghệ số, vốn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thông tin - thư viện, sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things) hay Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi trong việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin tới người dùng.
Các công trình khoa học được xuất bản và cung cấp đến tay người đọc một cách nhanh hơn, với nhiều tiện ích phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Xu thế tự xuất bản và truy cập mở cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, có tác động không nhỏ đến cách thức người dùng tiếp cận và sử dụng thông tin.
Là môi trường ứng dụng các công nghệ số từ rất sớm. Từ năm 2004, khái niệm “thư viện không tường” đã được các nhà nghiên cứu sử dụng để chỉ các thư viện ứng dụng công nghệ thông tin để cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thư viện ảo mà không phụ thuộc vào các thư viện vật lý.
Gần đây, khái niệm “Thư viện 4.0” cũng được các nhà thư viện học sử dụng để phản ánh xu thế áp dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này. Thư viện 4.0 là nơi mà ranh giới giữa “thư viện vật lý” và “không gian số” bị xóa nhòa, cung cấp những tiện tích và dịch vụ ngày càng tốt hơn cho bạn đọc.
Theo ông Vũ Hùng Cường - Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, I4.0 sẽ tác động đến hoạt động thư viện thông qua 2 hoạt động: Hoạt động vươn trải tự động và hoạt động kết nối các thư viện với nhau trong việc trao đổi nguồn tin.
Để đón đầu I4.0, ông Cường cho rằng, có 5 điều kiện cơ bản mà các thư viện cần phải chuẩn bị gồm: Tư duy không gian đồng bộ thư viện, tiếp cận các nguồn thông tin và tổ chức các dịch vụ thư viện; xây dựng được hạ tầng đủ mạnh có trang bị các phần cứng như hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ đủ mạnh để lưu trữ dữ liệu lớn; đường truyền Internet đủ mạnh; hệ thống phần mềm hiện đại đáp ứng được nhu cầu xử lý, khai thác thông tin và nguồn tài nguyên thông tin số đặc biệt.
Đánh giá về hoạt động thông tin KH&CN trước I4.0, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định, thông tin KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.
Cốt lõi của I4.0 là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được thực hiện trên nền tảng các kho dữ liệu khổng lồ được tạo lập, xử lý, phân tích và cung cấp trong thời gian thực.
“Những nước có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới đều là những nước tạo lập và sở hữu các nguồn thông tin KH&CN phong phú và đa dạng nhất, đồng thời cũng là những nước khai thác và sử dụng các nguồn thông tin này nhiều nhất để tạo ra các tri thức và giá trị mới cho xã hội” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Xác định chiến lược phù hợp
Trước bối cảnh I4.0 tác động sâu sắc tới mọi đời sống xã hội, ông Trần Đắc Hiến cho hay, mặc dù có truyền thống từ lâu đời, song “thư viện” là một khái niệm ngày càng bị cho là “lạc hậu”, “không hợp thời” và có vai trò giảm sút, trong khi đó, khái niệm “dịch vụ thông tin” còn bị xã hội hiểu một cách mơ hồ.
“Vai trò và vị trí của các thư viện trong môi trường học tập, nghiên cứu hiện nay đã có nhiều thay đổi, và các thư viện phải nhận thức một cách đầy đủ những thay đổi này để xác định cho mình một chiến lược phù hợp” Cục trưởng Trần Đắc Hiến bày tỏ.
Về hạn chế của thư viện hiện nay, ông Nguyễn Văn Hội - Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, các cán bộ thư viện chưa hiểu rõ tầm quan trọng của dữ liệu từ các trường điều kiển và trường có độ dài cố định liên quan đến loại hình tài liệu, cấp thư mục cũng như việc xử lý dữ liệu một số trường mô tả dữ liệu của đối tượng mô tả bị thiếu hoặc không rõ ràng (yếu tố xuất bản...).
Đây chính là các lỗi cơ bản thường ảnh hưởng đến việc trao đổi dữ liệu với các thư viện trên thế giới, thậm chí một số phần mềm sẽ không nhận diện được biểu ghi chúng ta cung cấp như phần mềm biên mục tập chung để xử lý dữ liệu đưa lên phần mềm tìm kiếm tập trung Worldcat Discovery.
Cũng theo ông Hội, hiện nhiều thư viện đã và đang tiến hành xử lý, cập nhật các tài liệu số phục vụ người dùng tin. Tuy nhiên, cấu trúc dữ liệu của các thư viện không thống nhất. “Cần nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế trong việc lưu trữ và bảo quản phục vụ cho sử dụng lâu dài các dữ liệu số, tránh tình trạng như trong các cơ sở dữ liệu thư mục do không nghiên cứu các tiêu chuẩn xử lý và trao đổi dữ liệu nên khi mua phần mềm mới một số thư viện đã không tận dụng được các cơ sở dữ liệu cũ, rất lãng phí nhân lực và nguồn lực” ông Hội chia sẻ.
Để nền KH&CN của Việt Nam bắt kịp trình độ phát triển KH&CN của thế giới, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng, các nhà khoa học của Việt Nam rất cần được cập nhật những thông tin và tri thức khoa học mới nhất trên thế giới. Đó là nguồn thông tin tham khảo không thể thiếu được đối với mỗi nhà khoa học trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu của mình.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn đồng thời cũng gặp phải những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố có thể mang lại thành công và sự phát triển của nền kinh tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đồng thời khẳng định, Bộ KH&CN luôn quan tâm hỗ trợ cho công tác phát triển nguồn tin KH&CN của đất nước. Hiện tại, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược và ổn định lâu dài nhằm tạo lập và phát triển các nguồn tin KH&CN phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khoa học Việt Nam.
Cơ chế liên hợp thư viện sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai Đề án này. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang chủ trì triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và nhiệm vụ “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN”, tất cả đều nhằm hình thành kho tài nguyên thông tin KH&CN đầy đủ nhất phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao nền tảng tri thức khoa học cho toàn xã hội.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ XVI, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra phương hướng giải quyết đối với các vấn đề như: Phân tích các tác động của I4.0 đối với các thư viện Việt Nam và vai trò của Liên hợp thư viện trong việc góp phần nâng cao năng lực tiếp cận I4.0; tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn tin điện tử KH&CN của Liên hợp thư viện; thúc đẩy phát triển và chia sẻ các nguồn tin KH&CN nội sinh của các cơ quan thông tin, thư viện của Việt Nam; xác định một cơ chế tổ chức và vận hành Liên hợp thư viện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thu-vien-40-thich-ung-truoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-617053.ldo