Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại

24/06/2024

Vừa ra đi ở tuổi xưa nay hiếm, với bề dày công tác từng kinh qua nhiều vị trí rất quan trọng, trong đó có nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên chỉ huy lực lượng tình báo chiến lược miền Nam, thế nhưng nhiều đồng chí, đồng đội lại nhớ nhất về đồng chí Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương) ở sự giản dị và nỗ lực cống hiến thầm lặng của ông đối với công tác tình báo…

Năm 1949, đồng chí Trần Quốc Hương gia nhập ngành tình báo và vào Nam năm 1950 với bí danh Mười Hương và tham gia mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo, cùng các đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm,…

Trong thời gian này, một sự kiện lớn trong phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh - sinh viên Sài Gòn đã dẫn dắt ông Mười Hương ấn tượng mạnh mẽ với con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Cho đến nay, một số đồng đội của ông Mười Hương vẫn luôn nhắc nhớ đến sự kiện ấy, vào ngày 15/1/1950, trong biển người tiễn đưa Trần Văn Ơn, một học sinh Trường Pétrus Ký bị chính quyền Pháp đàn áp bắn chết, với hình ảnh chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn cầm biểu ngữ đi đầu. 

 

 

Ông Mười Hương vinh dự nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng và Bằng ghi công năm 2018.

Cũng chính ông Mười Hương là người cân nhắc chọn Phạm Xuân Ẩn, vạch kế hoạch đưa nhà tình báo chiến lược (sau này) sang Mỹ du học. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, sự lựa chọn của ông Mười Hương khi đặt niềm tin vào Phạm Xuân Ẩn đã đánh dấu bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc chiến quyết định với đế quốc Mỹ trong các giai đoạn sau đó.

Là phóng viên mảng nội chính, chúng tôi từng có một vài dịp kỷ niệm quý báu với ông trong các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh và xuất bản sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn ở TP Hồ Chí Minh những năm 2013, 2014. Vào thời gian đó, ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập First News và cộng sự của mình là ông Vũ Trọng Quân đang tâm huyết thực hiện bộ sách “Điệp viên hoàn hảo”, mà sau này trở thành một trong những tựa sách làm nên tên tuổi của First News trong ngành xuất bản phẩm của Việt Nam.

Ông Mười Hương được mời tham dự các sự kiện, với tư cách là nhân chứng lịch sử, người trực tiếp tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Nam, trong đó có Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi còn nhớ mãi dáng dấp hao gầy, bước đi chậm rãi, nhưng trong từng câu trả lời ông Mười Hương đều nhấn mạnh vào những chi tiết quyết định của nhiệm vụ tình báo. 

Ông kể, khi lựa chọn Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ, tổ chức tình báo đã phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, không chỉ về vấn đề kinh phí, mà hoàn cảnh của Phạm Xuân Ẩn khi đó, cha bị bệnh lao, nhà đông anh em, khó xoay sở cho ông đi Mỹ. Để động viên, chính ông Mười Hương đã hứa: “Cậu cứ đi đi, chuyện kinh phí để tôi lo”. 

Làm xong công tác tư tưởng, ông Mười Hương lại hướng Phạm Xuân Ẩn chọn ngành báo chí tại Mỹ, bởi theo nhận định của ông thì nghề báo có thể giao tiếp rộng, tiếp xúc với nhiều giới, giai tầng ở nước Mỹ, rất thích hợp cho công tác tình báo. 

Về sau này, nghe theo định hướng của ông Mười Hương, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã học nghề báo và sử dụng vỏ bọc phóng viên hãng Reuters, sau đó là Tạp chí Time tại Sài Gòn đã đảm bảo bí mật tuyệt đối cho hoạt động tình báo chiến lược.

Ở các sự kiện First News tổ chức về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Hương luôn bày tỏ sự xúc động rất lớn. Sau mỗi cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ở từng sự kiện, đôi mắt ông đỏ hoe khi được gặp gỡ những đồng chí, đồng đội đặc biệt của mình. 

Quả thực, hiếm có cơ hội nào mà sau hơn 38 năm (tính đến thời điểm 2013), một cuộc gặp gỡ khó có thể hình dung ở thời bình giữa các nhà tình báo chiến lược như đồng chí Mười Hương (Chỉ huy mạng tình báo chiến lược), Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang, Chỉ huy cụm tình báo H63), Sáu Trí (Thiếu tướng tình báo), Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Tám Thảo, điệp báo cụm H63),… 

Tình cảm của những người làm công tác tình báo là rất sâu đậm, ông Mười Hương kể, lúc bị địch bắt đi tù, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn tìm cách liên lạc với cách mạng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ấy là vì ông Ẩn đã cảm cái nghĩa tình riêng với ông Mười Hương (đã lựa chọn mình - PV) mà đi đến quyết định dấn thân vào con đường tình báo đầy gian nguy nhưng tự hào, Tổ quốc khắc ghi muôn đời.

Khi ông Mười Hương nhận vinh dự Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào năm 2018, chúng tôi chứng kiến một lần nữa đôi mắt nhà tình báo Mười Hương đỏ hoe khi nhận huy hiệu gắn trên ngực áo từ đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại lễ trao tặng đầy trang trọng này, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vinh danh ông, một đảng viên tận tụy, mẫu mực, một vị tướng tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo ở miền Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều chiến công trên mặt trận thầm lặng với những tên tuổi như Phạm Xuân Ẩn...

Ông Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ những lời chân thành dành cho nhà tình báo vừa tròn 75 năm tuổi Đảng rằng: “Trong những tình huống nguy hiểm, đồng chí đã luôn vững vàng, kiên định, dũng cảm, mưu trí, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, không ngại khó khăn, gian khổ, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Ông là một tấm gương trong sáng của một chiến sĩ cộng sản tận hiếu với dân, tiêu biểu cho một nhân cách lớn cả cuộc đời tận tụy, cống hiến cho Tổ quốc”.

Thành Luân

Nguồn: https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Tran-Quoc-Huong-nguoi-thay-cua-nhung-nha-tinh-bao-huyen-thoai-i569327/

Tin nổi bật

Nổi bật

TIN LIÊN QUAN