25/09/2023
Ban biên tập website thư viện trân trọng giới thiệu đến toàn thể bạn đọc lời cảm nhận về bộ tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa: “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của em Em Hà Minh Đạt, K24 Sư phạm Lịch sử CLC, Trường Đại học Hồng Đức, năm thứ 3, khoá học 2021.
Bài viết trước, tôi đã giới thiệu tới các bạn tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung. Là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc, một kiệt tác văn chương của thế giới và cũng là bộ sách nổi tiếng nhất trong Tứ Đại Danh Tác Trung Hoa. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ 5 bài học sâu sắc không chỉ của riêng tôi mà của nhiều độc giả khác nhận được từ tác phẩm kinh điển này . Trước khi đi vào những bài học sâu sắc, Tôi xin sơ lược bộ sách Tam Quốc Diễn Nghĩa để các bạn có một cái nhìn tổng quát về tác phẩm.
Góc nhìn bạn đọc về những cuốn sách hay trong thư viện
Tam Quốc Diễn Nghĩa có tên đầy đủ là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ XIV, kể về thời kỳ hỗn loạn Tam quốc (190 – 280) với 120 chương hồi, theo phương pháp 7 thực 3 hư. Truyện lấy bối cảnh suy vong của nhà Hán khi mà những hoạn quan quá được tin dùng mà gạt bỏ những bề tôi trung thực. Tình hình đất nước lúc đó ngày càng lung lay, triều đình bê tha, hư nát, khiến nền kinh tế suy sụp và an ninh bất ổn. Đến năm 184, đời Hán Linh Đế loạn giặc “khăn vàng” nổ ra do Trương Giác, một người có tài ma thuật và bùa phép chữa bệnh, cầm đầu. Sau đó là sự xuất hiện của 3 anh em nổi tiếng trong tác phẩm là Lưu Bị, Quan vũ và Trương phi, cả ba đều có chí chung dẹp loạn yên dân nên đã kết nghĩa với nhau tại vườn đào. Đây là câu chuyện về cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các phương, giữa các chư hầu, đã khắc họa một thời kỳ chiến hỏa liên liên, nhân dân lầm than cơ cực, chiến tranh loạn lạc giữa mười quân phiệt với hành vi tàn bạo, sự lộng quyền của Đổng Trác. Tiếp đó là thời kỳ tiền Xích Bích và hậu Xích Bích. Một trong những thành công lớn nhất của Tam Quốc Diễn Nghĩa là tính chất và quy mô hoành tráng của cốt truyện và nhân vật. Vì vậy, tôi không thể khái quát chi tiết về tác phẩm, nhưng tôi tin rằng với phần trên các bạn đã có một cái nhìn tổng quan về tác phẩm này. Sau đây tôi xin trình bày 5 bài học sâu sắc nhất đối với tôi được đúc kết ra từ tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Bài học đầu tiên: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Đối với những bạn đã đọc tác phẩm thì không hề lạ lẫm với sự kiện kết nghĩa vườn đào của 3 anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Và hoàn cảnh của một Tây Thục có phần chắp vá khi đó cũng không khác là bao so với một người khởi nghiệp phải trải qua. Khi đó nước Thục không có gì ngoài tài sản duy nhất là ước mơ chung, lý tưởng chung và mục tiêu chung của ba anh em. Khi đó dù mang trong mình dòng máu hoàng tộc nhưng Lưu Bị và hai người anh em của mình chỉ có một mong muốn duy nhất là khôi phục nhà Hán . Dù Lưu Bị phải nhiều lần dựa dẫm vào người khác, nhưng sợi dây liên kết của 3 anh em Lưu - Quan - Trương không thể bị cắt đứt. Bài học rút ra ở đây là muốn thành công thì cần phải có những mục tiêu chung, chí hướng chung, cho dù sau này sẽ gặp nhiều trắc trở nhưng những mục tiêu đó sẽ là nguồn động lực giúp các thành viên cố gắng, đoàn kết hơn đặc biệt là trong những tình huống khó khăn, xung đột.
Bài học thứ hai: Biết hạ cái tôi đúng lúc và sức mạnh của sự kiên nhẫn. Trong tác phẩm một trong những tình huống mang bước ngoặt lớn và mang bài học sâu sắc nhất đó là việc Lưu Bị ba lần mời chào Gia Cát Lượng. Với hai lần đầu, ba anh em đã không gặp được Gia Cát Lượng, trong đó lần thứ hai cả ba gặp phải tuyết rơi dày đặc nhưng vẫn kiên trì đến nơi, vì Lưu Bị cho rằng như vậy mới thể hiện lòng thành. Cho đến lần thứ ba Quan Vũ đều không vui và mất kiên nhẫn, tuy nhiên Lưu Bị vẫn đi tới nơi và đợi Gia Cát Lượng tỉnh dậy mới cùng bàn việc lớn. Sau khi qua Gia Cát Lượng phân tích, Lưu Bị đã hạ thấp cái tôi của mình và quỳ xuống cầu giúp đỡ. Cảm động trước sự chân thành và khiêm tốn đó, Gia Cát Lượng đã nhận lời và giúp nước Thục đạt được nhiều thành tựu to lớn. Bài học rút ra ở đây là: người có khi lớn làm việc lớn phải hiểu thời, hiểu tình, trọng nhân tài. Bên cạnh đó cần vứt bỏ cái tôi khi cần thiết, nghiêm túc học hỏi tiếp thu bài học từ những người tài với tấm lòng chân thành.
Bài học thứ ba: Sử dụng đúng người. Trong truyện có một nhân vật được Lưu Bị phong làm Hậu tướng quân, cùng chức với Quan Vũ (Tướng quân trước), đó là Hoàng Trung một trong Ngũ hổ tướng của nước Thục được Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả là một lão tướng có sức mạnh vạn người mê và Lưu Bị đã ý thức được tài năng và lòng trung thành của ông nên vẫn phong Hoàng Trung mặc dù ông tuổi đã cao . Điều này thể hiện rất rõ trong công việc đánh giá dựa trên kết quả chứ không phải yếu tố bên ngoài không, đánh giá thấp những con người có nhiều kinh nghiệm “thực chiến” cực kỳ hữu ích. Cả Gia Cát Lượng và Lưu Bị đều hiểu rằng để tiếp tục con đường chinh phạt một vị tướng dày dặn kinh nghiệm như Hoàng Trung là vô cùng quan trọng.
Bài học thứ tư: Bài học về sự hợp tác. Trước trận Xích Bích lừng lẫy, Ngụy là nước mạnh nhất trong ba nước và Tào Tháo đang dẫn đầu thế cân bằng ở phía Nam với quân số áp đảo. Trong tình hình đó nước Thục đã nhận ra bản thân không đủ sức để chiến đấu một mình, mà trong khi đó nước Đông Ngô lại rất quen việc thủy chiến và có địa hình thuận lợi cho cuộc chiến. Vì vậy, Gia Cát Lượng đã ngoại giao thuyết phục được Đông Ngô hợp sức chống lại quân Tào. Bài học ở đây là sẽ có lúc bản thân rất khó để vượt qua khó khăn hay thử thách lớn thì lúc đó không ngần ngại tìm sự giúp đỡ từ sử xung quanh, nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích và kiểm soát được rủi ro.
Bài học thứ năm - bài học cuối cùng: Bài học đối nhân xử thế từ Trương Phi. Ông là một danh tướng thuộc Thục Hán và cũng là một thành viên trong Ngũ hổ tướng tiếng tăm dưới trướng Lưu Bị. Trương Phi có lợi thế về sức khỏe hơn người và có võ công xuất chúng, thế nhưng ông có đặc điểm chí mạng là sự nóng nảy và lỗ mãng. Trương Phi đánh đồn Đốc khiến ba anh em vừa ổn định và phải đi đày; hay đánh Tào Bảo - cha vợ của Lữ Bố - khiến Lữ Bố từ thế bị động sang thế chủ động chiếm Từ Châu, mất đi cơ hội phát triển không lý do; và lần nóng nảy cuối cùng và cũng chí tử là khi nghe tin Quan Vũ bị giết, ông đã vô cùng tức giận nên đã ra lệnh cho hai thủ hạ là Phạm Cương và Trương Đạt nhiệm vụ bất khả thi “Nội ba ngày, khởi binh phạt Ngô”, hai thủ hạ thì biện bạch được đôi ba câu thì bị đánh dã man. Cuối cùng Phạm Cương và Trương Đạt không chịu nổi đã chặn đầu Trương Phi trong lúc ông ngủ, xong chạy sang Ngô xin hàng. Bài học rút ra ở đây là trên thực tế không ai sinh ra đã có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt, chỉ có những người có nghị lực, có trí tuệ mới luôn nhắc nhở bản thân cố gắng kiềm chế cảm xúc. Thay vì tức giận hãy dùng nó làm động lực để phấn. Chỉ có kẻ ngu mới tức giận, người khôn luôn luôn cố gắng giữ gìn bình tĩnh vươn lên. Nếu làm được điều này bạn có thể kiểm soát được cuộc đời của mình.
Trên đây là năm bài học sâu sắc nhất đối với tôi được đúc kết ra từ tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Tôi mong rằng những bài học tôi chia sẻ sẽ giúp ích cho các bạn về phần nào đó trong cuộc sống này. Nếu bạn muốn tự mình đúc kết ra những bài học riêng cho bản thân thì có thể tìm đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa tại tầng 2 Thư viện Trường Đại học Hồng Đức./.
BBT Website thư viện
Nguyễn Văn Tuấn