17/12/2023
Khác biệt về chất lượng và hình thức
Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, sự khác biệt của Thư viện thông minh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam so với thư viện truyền thống không đơn thuần là về mô hình, số lượng hoạt động, hiệu quả của thư viện; mà chính là chất lượng và công nghệ trợ giúp cho hoạt động thư viện, hình thức tổ chức kho tài liệu và nhất là đội ngũ cán bộ thư viện.
Ông Nguyễn Giới giải thích, ba trụ cột cơ bản của Thư viện thông minh gồm công nghệ - dữ liệu - con người cũng đã bao gồm hai nội hàm quan trọng nhất là tư liệu sản xuất và con người để tạo ra dữ liệu (bộ sưu tập số, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, tài nguyên thông tin - thư viện...) trong các cơ quan thư viện. Đây sẽ là nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất để các thư viện phục vụ người đọc/người dùng tin.
Thư viện luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với tư cách là cơ quan thông tin, giáo dục ngoài nhà trường, thư viện là nơi cung cấp thông tin và tri thức cho mọi cá nhân và tổ chức xã hội, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, sản xuất, kinh doanh và cả lao động, sáng tạo... Thông tin, tri thức có trong thư viện là kho tàng tri thức của nhân loại, được tích lũy qua nhiều thế hệ, đã được trao truyền, kế thừa cho các đời sau. Mỗi người đọc sau khi tiếp cận tri thức, thông tin quý giá ấy, sẽ làm giàu cho bản thân và chuyển hóa thành sản phẩm, hàng hóa, tiền bạc, công cụ/hoặc tư liệu sản xuất, để rồi quy trình này lại tác động vào cuộc sống, sản xuất, làm gia tăng giá trị thặng dư.
Theo ông Nguyễn Hữu Giới, trong xã hội thông tin hiện đại, vai trò của thư viện thông minh sẽ lớn hơn so với thư viện truyền thống, bởi một số lý do. Việc số hóa tài liệu sẽ giúp giảm thiểu diện tích, không gian lưu giữ trong thư viện; bảo quản, duy trì tuổi thọ của tài liệu truyền thống lâu hơn. Dễ dàng mở rộng cộng đồng người sử dụng tài nguyên thông tin. Truy xuất tìm kiếm thông tin ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào nhanh chóng, dễ dàng. Thuận lợi trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của thư viện với các thư viện khác; giảm thiểu sức người, sức của cho việc quản lý nguồn tài nguyên thông tin truyền thống và góp phần nhanh chóng tái tạo thông tin mới có giá trị gia tăng cao hơn.
Không gian lý tưởng để giao lưu tri thức
Trong thời đại 4.0, thông tin, tri thức trong hệ thống Thư viện thông minh được chuyển tải nhanh chóng tới người đọc qua mạng internet. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Giới cho rằng, đây là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả; giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.
Thư viện thông minh cũng là không gian lý tưởng để giao lưu tri thức số, kiến tạo nền văn hóa đọc chưa từng có trong lịch sử thế giới và khơi nguồn sáng tạo cho những phát minh quyết định trong tiến trình phát triển trí tuệ nhân loại. Sự ra đời của hệ thống thư viện này góp phần làm thay đổi quan điểm, khái niệm, diện mạo, phương thức phục vụ của thư viện. Ở đó, không gian thực tế và không gian ảo được kết hợp sử dụng triệt để nhằm xóa đi khoảng cách về không gian, vị trí địa lý và thậm chí cả thời gian nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho mọi người dân.
ThS. Hoàng Thị Thu Trang, Thư viện Quốc gia Việt Nam, cho rằng, việc các thư viện liên kết cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số và các nền tảng khác, đem đến những trải nghiệm đọc đa dạng hơn cho người sử dụng, tăng cường tính tiện lợi và linh hoạt cho người sử dụng. Thông qua các thiết bị di động như máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc đọc sách và minh họa nội dung trực tuyến trở nên dễ dàng. Các tác phẩm, tài liệu trực tuyến có thể kết hợp hình ảnh, video, âm thanh và tương tác, giúp việc đọc thú vị và hấp dẫn hơn.
Thư viện thông minh cũng đi cùng các loại hình dịch vụ trực tuyến mới: mượn sách trực tuyến, mượn sách điện tử, tham gia hội thảo trực tuyến, các khóa học trực tuyến, nhận thông tin giới thiệu sách hay xuất bản tài liệu… Ngoài ra, hoạt động tương tác cộng đồng được các thư viện duy trì thông qua các nền tảng xã hội như Fanpage, diễn đàn trực tuyến, giúp tạo dựng cộng đồng đọc đa dạng.
Theo ThS. Hoàng Thị Thu Trang, Thư viện thông minh đã mở ra cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển văn hóa đọc trong môi trường số. Đó là xu thế tất yếu và vai trò của các thư viện là định hướng, xây dựng các tiêu chí cho văn hóa đọc trong môi trường này. Thông qua thư viện, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận các kho tài liệu khổng lồ trong và ngoài nước, giúp việc phổ biến kiến thức, việc đọc trở nên thuận lợi hơn.
Hương Sen
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thu-vien-thong-minh-thuc-day-van-hoa-doc-thoi-cong-nghe-so-i346021/