Vài nét về công tác địa chí ở Thư viện tỉnh Nam Định

12/06/2024

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, đòi hỏi mỗi cán bộ địa phương cũng như người sản xuất, phải có hiểu hiết sâu sắc về đặc điểm địa phương một cách toàn diện : đất đai, cây trồng, vật nuôi, lực lượng sản xuất, phương tiện kỹ thuật, xã hội chính trị, văn hoá, giáo dục... Người giữ cương vị lãnh đạo và quản lí chỉ có thể ra được những quyết định đúng đắn khi hiểu rõ về địa phương. Tài liệu địa chí của thư viện là nguồn lực quan trọng, tập trung, đầy đủ nhất giúp bạn đọc nghiên cứu địa phương thuận lợi, góp phần đắc lực vào việc nghiên cứu, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phân vùng kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Công tác địa chí là công tác đặc thù của các thư viện cấp tỉnh. Muốn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống địa phương, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, thư viện tỉnh phải có nguồn tài liệu địa chí phong phú và tổ chức công tác địa chí một cách khoa học.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác địa chí, những người làm công tác thư viện ở Thư viện tỉnh Nam Định đã sớm quan tâm đến công tác này.

 I – QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC ĐỊA CHÍ

Giai đoạn 1970 – 1976 : Bắt đầu xuất hiện một số hoạt động trong công tác địa chí như sưu tầm tài liệu, biên soạn thư mục phục vụ địa phương do cán bộ công tác phong trào kiêm nhiệm.

Giai đoạn 1977 – 1990 : Sau hội nghị chuyên đề công tác địa chí Đồ Sơn do Thư viện Quốc gia tổ chức, công tác địa chí ở Nam Định có bước tiến triển mới : hình thành kho tài liệu địa chí, ứng dụng Khung phân loại địa chí do Thư viện Quốc gia biên soạn vào công tác phân loại tài liệu địa chí, bước đầu tổ chức được mục lục địa chí. Do chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, thay đổi nhiều người làm nên thiếu sự thống nhất trong công tác nghiệp vụ, kết quả không cao.

Giai đoạn từ 1991 đến nay : Đây là thời kỳ công tác địa chí Nam Định gặp không ít khó khăn nhưng cũng thu được nhiều kết quả, do có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, có năng lực. Sau hai lần chia tách thư viện cùng với chia tách tỉnh (Hà Nam Ninh chia thành Nam Hà và Ninh Bình, Nam Hà chia thành Hà Nam và Nam Định), kho sách, bộ máy tra cứu, nhân lực đều biến động lớn. Về kinh phí, công tác địa chí chưa từng có một khoản chi riêng được cấp nào, chủ yếu là “ăn theo” công tác chung và trông chờ vào sự năng động của cán bộ. Từ năm 1994 Nam Định bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác địa chí. Về mặt tổ chức, từ năm 1997, công tác địa chí chính thức trở thành bộ phận của Phòng Địa chí – Thư mục – Phong trào thư viện cơ sở và được tăng cường cán bộ chuyên trách.

“Liệu cơm gắp mắm”, từ “chất bột” là đội ngũ cán bộ có trình độ, có hiểu biết về địa phương, say mê công tác, Thư viện tỉnh Nam Định đã “gột” lên những thành quả đáng khích lệ : tổ chức kho và bộ máy tra cứu tương đối hoàn chỉnh, khai thác nguồn lực có hiệu quả, thoả mãn tốt yêu cầu của bạn đọc. Trong Hội nghị toàn quốc 10 năm công tác địa chí (1990 – 2000) Thư viện tỉnh Nam Định được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh có công tác địa chí mạnh của cả nước, tập thể và cá nhân đều được nhận Bằng khen của Bộ Văn hoá Thông tin.

II – THỰC TRẠNG VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐỊA CHÍ HIỆN NAY

1- Sưu tầm bổ sung và tổ chức kho địa chí :
 Các tài liệu địa chí ở các kho được rút về kho địa chí, các tài liệu có một phần nội dung địa chí vẫn để ở các kho khác. Các sách địa chí xưa (Nam Định tỉnh chí / Ngô Giáp Đậu, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục / Nguyễn On Ngọc, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược / Khiếu Năng Tĩnh…), các sách địa chí của các tác giả đương thời, các sách lịch sử nhân dân và lịch sử Đảng bộ địa phương, tài liệu văn kiện của Đảng và Bác về Nam Định, tài liệu văn kiện của chính quyền và Đảng bộ địa phương… là hạt nhân của kho địa chí Nam Định. Tài liệu địa chí được sưu tầm từ các nguồn : mua của các nhà xuất bản, cơ quan phát hành sách, tư nhân, từ chế độ nộp lưu chiểu…
Sau hai lần chia tách tỉnh, kho sách địa chí của Thư viện Nam Định còn rất nhỏ bé (hiện có gần 3.000 bản), được tổ chức thành một bộ phận của phòng đọc, nhưng phân loại, vào sổ, xếp giá riêng, để khi có điều kiện sẽ tách thành kho độc lập.  Những sách có một phần nội dung địa chí được đưa vào các kho khác và được giới thiệu trong mục lục địa chí đồng thời với các mục lục của các kho khác.
Sau chia tách tỉnh, kho xuất bản phẩm Nam Định giảm nhiều, hơn nữa nhiều năm liền việc nộp lưu chiểu không được nhà in, cơ quan xuất bản thực hiện nghiêm nên kho này đã được đưa về kho đọc và kho mượn. Hiện nay thư viện Nam Định đã tổ chức lại kho xuất bản phẩm Nam Định.

2- Hệ thống mục lục địa chí :
2.1 -  Mục lục sách địa chí Nam Định : giới thiệu tất cả những sách có nội dung viết về Nam Định, không phân biệt ngôn ngữ chính văn, nơi xuất bản, nơi tàng trữ... mà chúng tôi được biết.
2.2 -  Mục lục tên các bài trích báo, tạp chí địa chí.
2.3 -  Ô phích nhân vật Nam Định : giới thiệu trên 400 nhân vật tiêu biểu ( nhân vật lịch sử, danh nhân, tác giả, anh hùng, bác sĩ, nghệ sĩ, giáo viên ưu tú...). Sau mỗi phích tiêu đề nhân vật, các phích tài liệu được chia làm ba tiểu  mục : Tiểu sử sự  nghiệp của nhân vật,  các tác phẩm của nhân vật, các tài liệu viết về nhân vật.
2.4 -  Ô phích các địa danh : Tập hợp tất cả các tài liệu sách báo viết về từng huyện, thành phố và một số địa danh tiêu biểu, nổi tiếng trong tỉnh.
2.5 -  Ô phích xuất bản phẩm Nam Định.
2.6 -  Ô phích hương ước : Ô phích này mới được tổ chức từ năm 1997 giới thiệu trên 600 bản hương ước của Nam Định trước năm 1945 theo nhu cầu của bạn đọc. ( Các hương ước, quy ước xây dựng làng văn hoá hiện nay còn đang trong quá trình tập hợp ).
2.7 -  Mục lục tra cứu bằng máy tính : Bao gồm các cơ sở dữ liệu SĐCHI (Sách địa chí), BAO (Các bài trích báo, tạp chí viết về địa phương), NHVAT (Nhân vật chí), CSDL toàn văn…

3-  Phân công phục vụ :
Cán bộ phòng đọc trực tiếp quản lý kho sách địa chí và phục vụ những yêu cầu đơn giản của bạn đọc như lấy sách địa chí có trong kho cho bạn đọc hoặc giới thiệu cho họ nơi tàng trữ những tài liệu họ cần mà thư viện Nam Định không có.
Những bạn đọc có yêu cầu nghiên cứu chuyên đề, tra cứu tư liệu địa chí mà phòng đọc không đủ khả năng thoả mãn sẽ được chuyển giao cho cán bộ phụ trách công tác địa chí phục vụ.

4 -  Tổ chức và biên chế cán bộ :

Công tác địa chí của thư viện tỉnh được ghép vào Phòng Địa chí - Thư mục - Phong trào thư viện cơ sở do một cán bộ chuyên trách. Công tác địa chí đòi hỏi cán bộ phụ trách phải có hiểu biết toàn diện và sâu về địa phương, có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao. Nếu chỉ có một cán bộ chuyên trách chắc chắn sẽ không đạt kết quả tốt. Biện pháp của thư viện Nam Định là huy động nhiều người, nhiều bộ phận cùng tham gia, dưới sự chỉ huy chung của cán bộ trực tiếp phụ trách và sự chỉ đạo của ban giám đốc. Chẳng hạn như công tác bổ sung biên mục và quản lý sổ đăng ký sách địa chí do phòng bổ sung biên mục chịu trách nhiệm. Các phòng mượn, đọc, báo và tạp chí phục vụ bạn đọc. Bộ phận vi tính sao chụp tài liệu, chế bản các sản phẩm địa chí... Các bộ phận tham gia thực hiện công tác địa chí đều quan hệ chặt chẽ và thống nhất với Phòng Địa chí - Thư mục - Phong trào thư viện cơ sở. Chánh, phó giám đốc ngoài việc chỉ đạo chung còn trực tiếp tham gia vào công tác sưu tầm, bổ sung, biên soạn thư mục, biên soạn các tài liệu địa chí và phục vụ bạn đọc nghiên cứu. Thư viện Nam Định còn có một đội ngũ đông đảo cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ, giáo viên, nhà nghiên cứu địa phương, cán bộ khoa học... đã nhiệt tình tham gia vào công tác địa chí.

 5-  Kết quả công tác phục vụ :

5.1 -  Xin lấy số liệu thống kê hai năm 1988 – 1989 để thể hiện kết quả công tác phục vụ : Phục vụ trên 1.000 lượt người, trên 4.000 lượt tài liệu, sao chụp trên 10.000 trang tư liệu cho bạn đọc. Bạn đọc đến thư viện  tra cứu tài liệu địa chí có cả người nước ngoài, gần 300 lượt người có yêu cầu đọc nghiên cứu theo chuyên đề. Trong số 35 người làm luận văn tốt nghiệp ( đại học và trên đại học ) được thư viện phục vụ, có một sinh viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn viết luận văn tốt nghiệp được Giám đốc thư viện Nam Định hướng dẫn, bảo vệ đạt loại giỏi. Giảng viên Matsuo Nobuyuki Trường đại học Nagoya Nhật Bản nghiên cứu về văn hoá vùng đất Thiên Bản (nay là Vụ Bản ) đã được thư viện Nam Định giúp tra tìm và sao chụp 102 tài liệu tới trên 5000 trang. Giáo sư Tiến sĩ sử học, Tiến sĩ nông nghiệp Yumio Sakurai và thực tập sinh Nomiko Trường đại học tổng hợp Tôkyô nghiên cứu lịch sử phát triển nông nghiệp ở Nam Định  cũng được thư viện  tỉnh phục vụ 72 tài liệu, sao chụp 3.250 trang in...       

5.2 -  Công tác biên soạn các thư mục địa chí :
Một số bản thư mục địa chí đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ địa phương, các hội thảo khoa học như :
+ Thư mục cơ giới hoá nông nghiệp huyện Nam Ninh (1970)
+ Thư mục cây lạc, khoai Hà Nam Ninh (1980)
+ Thư mục thuỷ nông phục vụ nông nghiệp (1990)
+ Thư mục cây cói vùng biển Hà Nam Ninh (1985)
+ Thư mục 700 năm nhà Trần chiến thắng quân Nguyên (1987)
+ Hải Hậu một vùng quê văn hoá (2000)
+ Nam Định phòng chống ma tuý (2000)
+ Văn Cao bậc tài danh thế kỷ (1998)
+ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và lễ hội Phủ Giày (2001)
+ Thư mục Trường Chinh và 60 năm Đề cương văn hoá Việt Nam (2003).
+ Thư mục tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh.
+ Thư mục địa chí tổng quát thành phố Nam Định (2004).
+ Các Thư mục phục vụ Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, các cuộc thi do các ngành và trung ương phát động.
+ Bản tin Báo chí Trung ương viết về Nam Định.

5.3 -  Qua thực tế phục vụ chúng tôi nhận thấy không ít cán bộ chủ chốt hiểu biết về công tác địa chí còn rất hạn chế. Do yêu cầu nhiệm vụ, họ thường xuyên cần tài liệu địa chí nhưng không biết tìm ở đâu, tìm thế nào. Công tác địa chí là công tác đặc thù, rất quan trọng của thư viện cấp tỉnh. Từ nhận thức đúng đến hành động và sự quan tâm đúng mức đến công tác địa chí cũng còn khoảng cách không nhỏ.
Thư viện Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết về công tác địa chí trong bạn đọc, tham gia công tác hoạt động nghiên cứu khoa học trong tỉnh. Thư viện cùng đội ngũ cộng tác viên viết bài đăng báo và tạp chí. Ban giám đốc thư viện đặt ra yêu cầu hàng năm phải có công trình nghiên cứu, bài viết đăng báo và tạp chí đối với Thư viện viên chính, Trưởng phó phòng trở lên, động viên tất cả cán bộ thư viện tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Đến nay đã có trên một trăm bài viết của cán bộ thư viện tỉnh được đăng báo, tạp chí, đọc trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, được in trong các sách chuyên đề.

5.4 -  Phần lớn tư liệu địa chí phân tán trong nhiều tài liệu ở các thư viện khác nhau nên việc phục vụ bạn đọc có yêu cầu nghiên cứu chuyên đề rất khó khăn. Để phần nào khắc phục tình trạng này, thư viện Nam Định coi trọng việc sưu tầm và biên soạn các tài liệu địa chí chuyên đề, nghiên cứu khoa học. Một số sản phẩm do các cán bộ thư viện Nam Định biên soạn đã ra đời như :
-  Lược khảo tác gia văn học Nam Định /  Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao.- H.: Văn học, 1997.
- Các nhà khoa bảng Nam Định.- Nam Định : Thư viện tỉnh, 1997.
- Địa danh Nam Định / Hoàng Dương Chương.- Nam Định : Thư viện tỉnh, 1998.
- Nam Định mảnh đất và con người /  Hoàng Dương Chương.- Nam Định : Thư viện tỉnh, 1999. (Công trình đã được in trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định)
- Tiến sĩ Vũ Huy Trác và Nam Giang lão phố thi tập : Lưu hành nội bộ / Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống biên soạn và giới thiệu ; Dương Văn Vượng phiên âm và dịch nghĩa. - Nam Định : Thư viện tỉnh, 1998.
- Trạng nguyên Đào Sư Tích : Công trình nghiên cứu danh nhân : Lưu hành nội bộ /  Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Dương Văn Tất.- Nam Định : Thư viện tỉnh, 1998.
- Danh nhân văn hoá tiêu biểu Nam Định : Lưu hành nội bộ.- Nam Định : Sở văn hoá thông tin, 2000.- T.1.      
- Nam Định : Đất nước - Con người : Sách tư liệu /  Phạm Vĩnh ; Giáo sư Trần Quốc Vượng giới thiệu.-  H.: Văn hoá thông tin, 1999. ( Sách của cộng tác viên được thư viện cung cấp tư liệu ).
- Hệ thống đặc điểm tác giả Hán – Nôm Nam Định (thế kỷ XI – Thế kỷ XX) : Công trình nghiên cứu cấp tỉnh / Thư viện tỉnh Nam Định. – 2003 (Được nghiêm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc).
Thiếu kinh phí là khó khăn lớn hiện nay, thư viện Nam Định đã tìm lối thoát bằng cách liên kết với cá nhân, dòng họ để tác phẩm được xuất bản, được in và phát hành rộng rãi. Thường các "nhà tài trợ" xin xuất bản, bỏ kinh phí in ấn và phát hành những tác phẩm do thư viện biên soạn và được ghi tên là đồng tác giả. Ngày nay thư viện đã có phương tiện  chế bản và sao chụp nên việc in ấn, lưu hành nội bộ khá thuận lợi, kịp thời đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Những sản phẩm trên được dư luận bạn đọc hoan nghênh chứng tỏ cách làm của thư viện Nam Định là đúng hướng và đạt hiệu quả cao.

Thay lời kết :

Thư viện tỉnh Nam Định bước đầu đạt được kết quả trong công tác địa chí là do cán bộ thư viện  hiểu biết, lãnh đạo thư viện quan tâm, phát huy tiềm năng trí tuệ của cộng tác viên, những người có hiểu biết địa phương, nhiệt tình công tác, làm việc hết mình mà không hề đòi hỏi, lấy việc phục vụ bạn đọc là mục đích và niềm vui của mình. Không biết có phải là ngẫu nhiên không mà hầu hết những người làm công tác địa chí ở Thư viện tỉnh Nam Định, ở một mức độ nào đó đều đã thành danh, trở thành những hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh như  Nhà văn Nguyễn Quang Lộc (có gần chục tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn), các Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hoá - văn học - nghệ thuật Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống (đồng tác giả trên chục đầu sách và hàng trăm bài nghiên cứu đăng báo, tạp chí), Phạm Văn Huyên (đồng tác giả một số sách lịch sử, địa chí, văn hoá)… Phải chăng chính công tác địa chí là môi trường thuận lợi để họ phát triển, và chính họ góp phần tích cực làm nên thành quả công tác địa chí Nam Định ngày nay. 

TRẦN MỸ GIỐNG

Nguồn: https://thuviennamdinh.vn/Hoat-dong-thu-vien/Cong-tac-thu-vien/10-Vai-net-ve-cong-tac-dia-chi-o-Thu-vien-tinh-Nam-Dinh

Tin nổi bật

Nổi bật

TIN LIÊN QUAN