12/06/2024
Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" cũng xác định: Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Những năm gần đây, chủ trương XHH nhằm phát triển văn hóa đọc thông qua công tác thư viện, đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Ðể thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã có các chương trình phối hợp Bộ Thông tin Truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020; với Bộ Giáo dục và Ðào tạo về nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện...
Hệ thống văn bản pháp luật về thư viện cũng đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác XHH lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Vụ Thư viện (Bộ VHTT và DL) đã phối hợp các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tăng cường hợp tác, đẩy mạnh XHH thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng chục nghìn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện và trao tặng lại các nguồn tài trợ để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tài trợ từ các nguồn XHH đã góp phần thay đổi bộ mặt thư viện Việt Nam, cơ sở vật chất và triển khai các công nghệ mới được tăng cường, cải thiện môi trường đọc...
Với việc đẩy mạnh XHH, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện có được sự hỗ trợ nhiều mặt và dần hình thành một mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước. Hơn 17 nghìn thư viện, tủ sách cộng đồng, phòng đọc ở cơ sở, sự xuất hiện các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách dòng họ, câu lạc bộ đọc sách… đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế việc thu hút các nguồn lực xã hội vào các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, việc triển khai tự chủ trong các thư viện vẫn còn hạn chế và chưa được thực hiện rộng khắp. Nhiều thư viện vẫn còn tâm lý ỷ lại, chưa năng động triển khai các biện pháp phát triển văn hóa đọc, chưa huy động được các cá nhân và tổ chức hỗ trợ hoạt động của mình. Lãnh đạo các cấp ở một số địa phương chưa quan tâm phát triển và tạo môi trường đọc thân thiện, hữu ích. Người dân cũng chưa tha thiết với việc đọc, thời gian dành cho việc đọc chưa nhiều, kỹ năng đọc và sử dụng thông tin còn hạn chế, nhất là ở vùng xa trung tâm…
Để thu hút sự quan tâm của xã hội đến hoạt động thư viện, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về XHH công tác thư viện. Ðây là một chủ trương đúng đắn và quan trọng của Ðảng và Nhà nước, nhằm tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến sự phát triển thư viện nói riêng, văn hóa đọc nói chung.
Trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông từ các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu; phát triển văn hóa đọc nhất là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên... Song song với đó, có chính sách khuyến khích XHH hoạt động thư viện và dịch vụ phục vụ hoạt động thư viện.
Bản thân các thư viện cần nâng cao hiệu quả phục vụ, mở rộng và đa dạng phương thức hoạt động, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích cộng đồng, xã hội... để người dân thấy rõ vai trò của sách, báo, của thư viện, từ đó sẽ tự nguyện tham gia, đóng góp xây dựng. Thư viện cũng cần tích cực quảng bá hình ảnh, hoạt động của mình nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thi đọc sách, kể chuyện, tọa đàm, trưng bày triển lãm sách chuyên đề phù hợp trình độ, lứa tuổi để khơi gợi phong trào đọc sách và hiểu được tầm quan trọng của sách, báo. Phối hợp các cơ quan, đoàn thể xây dựng phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc dành cho các lứa tuổi…
NGỌC LIÊN
Nguồn: https://nhandan.vn/xa-hoi-hoa-cong-tac-thu-vien-gop-phan-phat-trien-van-hoa-doc-post372338.html