03/10/2020
Phát triển thư viện ở một số quốc gia trên thế giới
Để góp phần xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện ở Việt Nam, việc tìm hiểu các chính sách của nhà nước về thư viện của các nước trên thế giới có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ nhận thức đó, Ban soạn thảo và tổ biên tập đã tìm hiểu các quy định về chính sách nhà nước trong các Luật Thư viện của nước ngoài.
Luật Thư viện của Trung Quốc thể hiện chính sách của Nhà nước với sự phát triển thư viện bao gồm hỗ trợ một số hoạt động và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đóng góp cho thư viện bằng những quy định liên quan đến ưu đãi, giảm thuế, cụ thể như sau: Nhà nước khuyến khích công dân, pháp nhân và các tổ chức khác trong xã hội đóng góp cho hoạt động thư viện và được giảm thuế và được hưởng các ưu đãi khi có các hoạt động đóng góp theo quy định của pháp luật. Cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác là người nước ngoài căn cứ theo các quy định của pháp luật có liên quan có thể đóng góp cho hoạt động thư viện bằng các hình thức khác nhau; Nhà nước hỗ trợ cho phát triển sự nghiệp thư viện công cộng tại các vùng đặc biệt như: vùng cách mạng cũ, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới; Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng, quản lý và vận hành hoạt động thư viện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của thư viện công cộng; Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ việc trao đổi, giao lưu hợp tác trong lĩnh vực phát triển thư viện công cộng.
Những quy định này thể hiện rõ chính sách khuyến khích xã hội hóa và một số ưu tiên của Nhà nước trong hoạt động thư viện. Các thư viện công cộng tại các vùng đặc biệt như: vùng cách mạng cũ, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng, quản lý và vận hành hoạt động thư viện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của thư viện công cộng là các nội dung được ưu tiên hỗ trợ theo chính sách phát triển thư viện công cộng của Trung Quốc.
Trong Luật Thư viện của Hàn Quốc, các nội dung về chính sách đã quy định về vấn đề hỗ trợ về bản quyền. Cụ thể, Điều 44. Hỗ trợ thu hẹp khoảng cách về kiến thức và thông tin đã quy định như sau: Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp sau để giúp người thiếu kiến thức và thông tin có thể tự do sử dụng tiện ích và dịch vụ thư viện: Tăng cường cung cấp tài liệu thư viện để thu hẹp khoảng cách kiến thức và thông tin và xây dựng hệ thống sử dụng chung; Tăng cường sự tiện lợi trong việc sử dụng tiện tích và tài liệu thư viện để thu hẹp khoảng cách kiến thức và thông tin, đồng thời, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn; Các vấn đề cần thiết khác để thu hẹp khoảng cách kiến thức và thông tin.
Nhà nước và chính quyền địa phương có thể trợ cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho các dự án do các thư viện đề xuất nhằm thu hẹp khoảng cách kiến thức và thông tin cho những người thiếu kiến thức và thông tin.
Nhà nước hoặc chính quyền địa phương nơi có những người thiếu kiến thức và thông tin sử dụng thư viện sẽ trợ cấp hoàn toàn hoặc một phần khoản bồi thường cho chủ sở hữu quyền kinh tế của tác giả theo Điều 31 khoản (5) Luật Bản quyền trong giới hạn ngân sách.
Luật Liên bang về Sự nghiệp Thư viện của Đu ma Quốc gia Nga đã có 1 điều quy định cụ thể về chính sách của nhà nước, Điều 14. Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực thư viện đã quy định như sau: Cơ sở cuả chính sách nhà nước trong lĩnh vực thư viện là nguyên tắc tạo lập các điều kiện để toàn dân tiếp cận tới thông tin và các giá trị văn hóa do thư viện thu thập và đưa ra sử dụng; Nhà nước là người đảm bảo các quyền được ghi nhận trong luật Liên bang này và không can thiệp vào hoạt động chuyên môn của các thư viện trừ những trường hợp quy định trong luật pháp Liên bang Nga; Nhà nước hỗ trợ phát triển sự nghiệp thư viện bằng cách cấp kinh phí, tiến hành chính sách thuế, chính sách cho vay, chính sách giá cả thích hợp.
Chính phủ Liên bang Nga trong trật tự được quy định, soạn thảo các chương trình liên bang phát triển sự nghiệp thư viện và các chương trình con trong các chương trình nhà nước Liên bang nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa ở Liên bang Nga. Các cơ quan chính quyền hành pháp cấp Liên bang tổ chức phối hợp các mối liên hệ liên ngành và liên vùng trong phục vụ thư viện, trong đó có cả việc tin học hóa xã hội.
Nhà nước hỗ trợ phát triển việc phục vụ thư viện cho những tầng lớp dân cư ít được bảo vệ nhất về mặt xã hội và kinh tế (trẻ em, thanh thiếu niên, những người tàn tật, hưu trí, tị nạn, thất nghiệp, dân cư nông thôn, dân cư các vùng Cực Bắc và phụ cận).
Các cơ quan chính quyền nhà nước khuyến khích bằng cách hỗ trợ vật chất cho các thư viện không phải sở hữu nhà nước nhưng tổ chức phục vụ một cách rộng rãi và không thu tiền cho nhân dân. Các vấn đề phát triển sự nghiệp thư viện phải được đề cập đến trong các chương trình nhà nước liên bang phù hợp với Luật cơ bản của Liên bang Nga về Văn hoá.
Với quy định này, Nhà nước Liên bang Nga đã thể hiện rất rõ những hỗ trợ phát triển sự nghiệp thư viện ở trên nhiều phương diện: cấp kinh phí, thực hiện chính sách thuế, chính sách cho vay, chính sách giá cả thích hợp để đảm bảo cho để toàn dân có thể tiếp cận tới thông tin và các giá trị văn hóa do thư viện thu thập và đưa ra sử dụng. Trong đó, Nhà nước cũng chú trọng đến các đối tượng yếu thế: trẻ em, thanh thiếu niên, những người tàn tật, hưu trí, tị nạn, thất nghiệp, dân cư nông thôn. Các thư viện tư nhân cũng được hỗ trợ nếu tổ chức phục vụ một cách rộng rãi và không thu tiền cho nhân dân. Những quy định này rất cụ thế, nhờ đó hoạt động thư viện sẽ được sự bảo trợ của Nhà nước.
Áp dụng thực tiễn vào Việt Nam
Từ việc tham khảo một số chính sách ưu việt của nước ngoài, tổ biên tập đã tham mưu cho Ban soạn thảo quy định về chính sách phát triển thư viện khi xây dựng dự thảo Luật Thư viện của Việt Nam. Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện được quy định với các nội dung sau:
Một là: Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung sau đây: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; Hiện đại hóa thư viện. Xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở. Liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; Tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.
Hai là: Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau đây: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Hợp tác quốc tế về thư viện.
Ba Là: Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Để thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động thư viện, dự thảo Luật Thư viện đã có một điều riêng quy định về nội dung này, cụ thể như sau: Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở; Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật; Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện; tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp để phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc được xem xét để ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Với những quy định này, nếu được ban hành và thực hiện nghiêm túc, chúng ta tin chắc rằng sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc sẽ có điều kiện phát triển, người dân sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời một cách dễ dàng hơn./.