Thư viện đại học với việc tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong kỷ nguyên số - Thực trạng và Giải pháp

12/8/2021 12:00:00 AM

Văn hóa đọc chính là đọc có văn hóa theo chuẩn mực, người đọc cần có kỹ năng để đọc một cách hiệu quả, từ đó hình thành thói quen đọc, sở thích đọc. Việc tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt cho sinh viên là vô cùng cần thiết trong thời đại kỷ nguyên số, một trong những nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên giá trị tri thức mới cho cộng đồng, đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức và kỷ nguyên số góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền văn hoá tiên tiến.

Thư viện đại học thực hiện chức năng tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc cho sinh viên nhằm: đẩy mạnh và phát triển các hoạt động văn hoá đọc trong cộng đồng trường đại học nói riêng và xã hội nói chung; hình thành thói quen, kỹ năng đọc và sở thích đọc cho sinh viên, từ đó giúp họ tích luỹ tri thức, kinh nghiệm góp phần tạo ra nhiều giá trị cho xã hội; nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò của văn hoá đọc, giúp họ tăng khả năng giao tiếp thông qua việc nhận thức những vấn đề mới, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo, rèn luyện khả năng ngôn ngữ, tích luỹ kiến thức.

Tác giả tiến hành nghiên cứu, khảo sát về việc tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc tại 10 thư viện đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác theo hai nội dung tuyên truyền và phát triển với các tiêu chí cụ thể.

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các thư viện đều rất chú trọng đến công tác này, từ phát triển nội lực (tài nguyên thông tin và nhân lực thư viện) đến các hoạt động truyền thông, phát triển kỹ năng thông tin cho sinh viên. Bên cạnh những ưu điểm, một số thư viện còn chưa đáp ứng nhu cầu của người dùng về tài liệu in, tài liệu số do tài nguyên thông tin chưa phong phú, các tiện ích chưa thuận lợi cho bạn đọc, các hoạt động tuyên truyền chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao.

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong kỷ nguyên số.

- Từ góc độ quản lý nhà nước:

+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thư viện đặc biệt là các quy định liên quan đến thư viện đại học, xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các thư viện cung cấp, phát triển các dịch vụ thư viện cả truyền thống và hiện đại, cả miễn phí và có thu.

+ Ngoài việc phát hành sách in, nhà nước khuyến khích phát hành sách điện tử để người dùng có thể nhanh chóng tiếp cận tài liệu.

+ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết giáo dục đại học với các nước trên nền tảng công nghệ số, chủ động tiếp thu và nâng cao nội lực phù hợp với tiêu chí, chuẩn mực chung của khu vực và thế giới.

+ Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện đại học bởi đây là bộ phận cấu thành của cơ sở giáo dục đại học, nơi phục vụ hoạt động đào tạo để hình thành thế hệ trí thức tương lai.

- Từ góc độ trường đại học:

+ Chú trọng đầu tư, hiện đại hoá thư viện như xây dựng không gian đọc và các tiện ích hỗ trợ thuận lợi cho bạn đọc, ứng dụng khoa học và công nghệ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, khai thác tài nguyên thông tin trực tiếp tại thư viện và trên môi trường số.

+ Đổi mới chương trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ để sinh viên tự học, tự nghiên cứu và tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiêm túc. Xây dựng nội dung giáo dục kỹ năng đọc, phương pháp nghiên cứu trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy ở các trường đại học. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc tới đông đảo sinh viên.

+ Tạo điều kiện cho đội ngũ người làm công tác thư viện được nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng để có thể phục vụ người dùng tốt hơn. 

- Từ góc độ thư viện đại học:

+ Đổi mới tổ chức, hoạt động để phát triển nội lực thư viện; tăng cường tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc; phát triển tài nguyên thông tin đặc biệt là tài nguyên thông tin số; tăng cường liên thông, liên kết với các thư viện khác.

+ Lãnh đạo thư viện cần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm để khẳng định vai trò của thư viện trong trường.

+ Người làm công tác thư viện cần nhận thức được quyền hạn, trách nhiệm của mình, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ người sử dụng thư viện.

- Từ góc độ sinh viên:

Mỗi sinh viên phải rèn luyện, tự hình thành ý thức tự học, tự đọc, tự nghiên cứu và thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, trích dẫn tài liệu cho bản thân. Từ đó bỏ thói quen lướt mạng giải trí thay vào đó đọc tài liệu in, tài liệu số để tích luỹ kiến thức cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi sinh viên hãy là một nhà tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc của mình và của trường.

Mối quan hệ giữa tuyên truyền và phát triển văn hoá đọc là không thể tách rời, tuy là hai thuật ngữ với hai nghĩa khác nhau những lại có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau. Nếu trong phát triển văn hoá đọc đã bao gồm nội hàm của việc tuyên truyền vì tuyên truyền là một trong những hoạt động để phát triển văn hoá đọc và muốn phát triển văn hoá đọc cần phải tuyên truyền mạnh bằng các hình thức khác nhau đến nhiều đối tượng trong đó thư viện đại học hướng đến chủ yếu là sinh viên. Đối với thư viện đại học thì mối quan hệ này càng thể hiện rõ hơn, muốn tuyên truyền văn hoá đọc tốt thì các thư viện đại học cần phát triển mạnh về trụ sở, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, người làm công tác thư viện chuyên nghiệp, tài nguyên thông tin, kỹ năng thông tin cho sinh viên… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, thu hút sinh viên sử dụng thư viện và để việc phát triển của các thư viện đại học có hiệu quả, thư viện cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức./.

Trích Kỷ yếu Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”.

Phạm Thị Mai

Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1.  Nguyễn Hữu Viêm, Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam, truy cập tại https://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html ngày 10/10/2021.

2. Luật Thư viện số 46 năm 2019.

3. Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. “Văn hoá đọc là gì? Suy nghĩ về văn hoá đọc hiện nay” truy cập tại địa chỉ
 
https://123docz.net/document/3116764-van-hoa-doc-la-gi-suy-nghi-cua-ban-ve-van-hoa-doc-hien-nay.htm ngày 10 tháng 10 năm 2021.

Tin liên quan