Trung tâm Thư viện và Tri thức số trường Đại học Quốc gia Hà Nội - Tên gọi mới và vị thế mới

2/28/2022 8:19:27 AM

Trung tâm Thông tin – Thư viện trường ĐHQGHN được thành lập vào ngày 14/02/1997 theo Quyết định số 66/TCCB ngày 14/02/1997 của Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trên cơ sở hợp nhất 3 thư viện: Thư viện trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,  Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và Thư viện Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, với chức năng lưu giữ, quản lý thông tin, tư liệu và thư viện phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và quản lý của trường ĐHQGHN.

Sau chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, ngày 14/2/2022 Trung tâm Thông tin – Thư viện trường ĐHQGHN được Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội ký Quyết định đổi tên thành: Trung tâm Thư viện và Tri thức số (Quyết định số 316/QĐ-ĐHQGHN ngày 14/2/2021 của Giám đốc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) và chuyển địa điểm lên Hòa Lạc.

Hình ảnh thiết kế Trung tâm Thư viện và Tri thức số Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Trải qua 4 giai đoạn xây dựng và phát triển: 1) Giai đoạn 1: Trước năm 1997: Thư viện truyền thống: Tập trung chủ yếu vào lưu trữ và quản lý tài liệu truyền thống (sách in, tạp chí in, báo in…), lưu trữ bảo quản giá sách, tra cứu tài liệu bằng hộp phích thủ công; 2) Giai đoạn 2: Từ năm 1997-2010: Thư viện tự động hóa: Triển khai xây dựng và hoàn thiện các Dự án: “Hiện đại hóa Trung tâm Thông tin - Thư viện trường ĐHQGHN”, Dự án xây dựng bước đầu thư viện điện tử tại khu vực Thượng Đình, Dự án Phòng truy cập tài nguyên số hóa tại khu vực Cầu Giấy (do Microsoft tài trợ). Tháng 3/2002, Trung tâm chính thức đưa vào sử dụng phần mềm thư viện Libol 5.0 - đánh dấu mốc phát triển mới trong quá trình tin học hóa. Toàn bộ các quy trình nghiệp vụ được thực hiện và quản lý trên phần mềm như: bổ sung, xử lý tài liệu, quản trị CSDL, quản lý bạn đọc.... Đồng thời, công nghệ mã vạch được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao trong việc giúp cho công tác quản lý bạn đọc, mượn - trả tài liệu được nhanh chóng, thuận tiện và chính xác; 3) Giai đoạn 3: Từ năm 2010-2020: Thư viện số,  triển khai thực hiện Dự án đầu tư vào chiều sâu “Xây dựng và phát triển thư viện điện tử tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo đẳng cấp quốc tế” giúp tăng cường, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật, công nghệ phù hợp, có khả năng kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin với hệ thống các trung tâm thông tin - thư viện trong nước và quốc tế; 4) Giai đoạn từ 2020-2025: Tập trung chủ yếu vào Trung tâm Tri thức số, quản trị tri thức số, công nghệ 4.0, dữ liệu lớn, biến dữ liệu thành tri thức, các dịch vụ quản trị tri thức, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Bản chất là chuyển đổi từ mô hình Thư viện số sang mô hình Trung tâm Tri thức số, gắn liền với phát triển mô hình Đại học số - Đại học thông minh.

Đến nay Trung tâm đã xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng và chất lượng cao đáp ứng hầu hết các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, với 151.380 học liệu số; 33.433 luận án, luận văn; 2.000 kết quả đề tài nghiên cứu khoa học; 48.212 học liệu số khác (khóa luận, kỷ yếu …); Cơ sở dữ liệu điện tử trực tuyến (SpringerLink, ScienceDirect, Bookboon, WorldScientific, MathSciNet,… ) với gần 53.000 sách điện tử;  4.100 tạp chí với hàng trăm ngàn bài; số lượng tài liệu in: 114.000 tên sách; 400 tên báo, tạp chí. Hệ thống các phòng phục vụ bạn đọc tại 04 khu vực (Cầu Giấy, Ngoại ngữ, Thượng Đình, Mễ Trì) không ngừng được mở rộng, tăng cường trang thiết bị và đổi mới phương thức phục vụ đã thu hút lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng cao. Trung tâm cũng cán mốc hơn 31.541.139 triệu lượt tương tác với thư viện, tăng 33,45% so với 2020; 92% lượng bạn đọc hài lòng với dịch vụ thư viện; Tổ chức thành công cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, 2021; duy trì vị trí số 1 Việt Nam và xếp thứ 49/3.751 kho thư viện số nội sinh toàn cầu Webometrics (tăng 767 bậc so với tháng 1/2015) và đồng thời tăng hạng xếp thứ 60/3885 tất cả các kho tài nguyên số toàn cầu. Kho tài nguyên nội sinh của ĐHQGHN đã tăng 767 bậc và đã phản ánh tốc độ chuyển đổi số rất nhanh của ĐHQGHN về lĩnh vực số hóa học liệu và chuyển đổi số thư viện VNU-LIC trong hơn 6 năm qua.

Lịch sử hình thành và tương lai phát triển VNU-LIC

Để góp phần đưa ĐHQGHN trở thành đại học thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á và 500 đại học hàng đầu thế giới (2020 - 2025), Trung tâm Thư viện và Tri thức số VNU-LIC đã đặt ra các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030 bao gồm một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh chức năng thu thập, lưu trữ, xử lý, tổ chức, quản trị và mở rộng các loại hình dữ liệu - thông tin - tri thức - học liệu; Tăng cường “Quản trị” hiệu quả hệ thống dữ liệu lớn của ĐHQGHN (học liệu số, luận văn - luận án số, kết quả nghiên cứu khoa học số, sáng chế phát minh,...) và “Kết nối” với các loại hình cơ sở dữ liệu học thuật chất lượng cao của Việt Nam và Thế giới để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu số, đào tạo số, học tập số và chuyển đổi số của ĐHQGHN; “Hỗ trợ quản trị nghiên cứu - đào tạo đỉnh cao của ĐHQGHN thông qua các hoạt động, như: nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và dự báo xu hướng nghiên cứu của ĐHQGHN; nghiên cứu và triển khai trắc lượng thư mục...”; Tiếp tục đẩy mạnh công tác “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về thông tin, tri thức, thư viện số;  quản trị dữ liệu - thông tin - tri thức cho đội ngũ nhân sự trong và ngoài ĐHQGHN.

Tổng hợp: Khánh Ly
Nguồn: VNU-LIC

Tin liên quan