Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên: Nguồn lực, chỗ dựa quan trọng của ngành là nhà giáo

8/16/2023 10:08:18 PM

15/08/2023 343

Chiều 15/8, tiếp tục chương trình "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục", Bộ trưởng đã gặp gỡ các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý của các đại học, trường đại học.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Bộ GDĐT, kết nối tới hơn 400 điểm trường đại học, trường đại học trong cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì tại điểm cầu chính tại Bộ GDĐT

Trước khi chương trình diễn ra, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học được gửi về Ban Tổ chức.  Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Phát biểu mở đầu chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được gặp gỡ phần đông các nhà giáo các cán bộ, giảng viên, nhân viên các cơ sở giáo dục đại học công lập, ngoài công lập. Đây là cơ hội để Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GDĐT và các nhà giáo có thể trao đổi thẳng thắn, bày tỏ ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm, những vấn đề nóng, vướng và khó của ngành, đặc biệt là hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và của các nhà giáo.

“Các thầy cô có thể bày tỏ những vấn đề liên quan tới giáo dục đại học nói riêng và giáo dục, đào tạo nói chung. Vì các thầy cô vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học, là phần lớn đội ngũ trí thức của đất nước và là các chuyên gia trong hầu hết các lĩnh vực”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời cho biết: Những ngày qua, ngoài ý kiến, câu hỏi gửi về Ban tổ chức, cá nhân Bộ trưởng cũng nhận được hàng chục ý kiến qua email, tin nhắn mang tính chia sẻ, chất vấn, kiến nghị, nêu vấn đề.

Sẽ có những điều chỉnh cần thiết về chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho tự chủ đại học

Tại buổi gặp gỡ, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm đã gửi tới Bộ trưởng nhiều ý kiến, kiến nghị xung quanh các quy đinh về tự chủ đại học, các chính sách về đầu tư nghiên cứu khoa học, đời sống, thu nhập, đạo đức nhà giáo, cơ sở hạ tầng giáo dục đại học.

Bàn về các chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, Tiến sĩ Đinh Minh Hằng, giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội băn khoăn: Câu chuyện về chính sách, quy định, quy chế đối với nghiên cứu khoa học, để làm sao nghiên cứu khoa học gắn liền với giảng dạy, gắn liền với thực tế. Bên cạnh những thế mạnh, đầu tư về nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực khoa học tự nhiên hiện nay thì vẫn còn các vấn đề liên quan đến khoa học xã hội cần được nghiên cứu tập trung hơn nữa, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc đào tạo giáo viên, gắn liền với sự phát triển của giáo dục. 

Tiến sĩ Đinh Minh Hằng, giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại chương trình

Đề cập đến vai trò đạo đức nhà giáo, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thắng, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh cho biết: Hiện nay, đạo đức nhà giáo được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và việc đánh giá đạo đức nhà giáo ở mỗi con người là việc làm vô cùng khó. Do đó, việc đánh giá đạo đức nhà giáo cần được lan tỏa trong môi trường giáo dục thông qua đạo đức và trách nhiệm. Mọi nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục cần phải gắn liền với đạo đức nhà giáo. Đối với giáo dục vấn đề nêu gương các nhà giáo là việc làm rất quan trọng. Nêu gương cũng cần phải kip thời, đúng thời điểm và cần phải lan tỏa được những tấm gương tiêu biểu.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: Tự chủ là chủ trương đúng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và tự chủ thể hiện ở tất cả các khía cạnh của giáo dục đại học. Tuy nhiên, phần lớn xã hội suy nghĩ chủ yếu về tự chủ kinh phí và học phí tăng lên. Do đó, công cuộc tự chủ hóa khó thành công. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ về chính sách trong vận hành tự chủ đại học khiến các trường đại học tự chủ hiện nay gặp khó.

Nhận định nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng, mang tính nền tảng, cốt lõi đối với hệ thống các trường đại học, đặc biệt các trường đại học mang định hướng nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Việc triển khai, đầu tư cho các nghiên cứu khoa học và các sản phẩm khoa học thể hiện năng lực đội ngũ giảng viên, cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng các trường đại học và từ năng lực khoa học đó, các trường sẽ giải quyết tốt việc giảng dạy hay không. Một nhà khoa học có trình độ khoa học, có kết quả nghiên cứu tốt là tiền đề để có thể đóng vai trò của một giảng viên tốt.

Trong quản lý của Bộ GDĐT, năm 2022 Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 109, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, quy định về cơ chế, khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, những chế độ cho các nhóm nghiên cứu, giảng viên nghiên cứu.

Nếu nói về các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn kinh phí. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí của nhà nước có hạn. Do đó, các giảng viên, nhà nghiên cứu cần hướng đến các đối tác, đơn vị có nguồn đầu tư để được đặt hàng, nghiên cứu để có nguồn kinh phí dồi dào hơn.

Theo Bộ trưởng, nút thắt quan trọng, là điểm nghẽn khiến hoạt động nghiên cứu của giảng viên hiện nay chưa phát huy được là thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học. Con đường từ trong ý tưởng đi ra thị trường, thương mại hóa, chuyển giao được những nghiên cứu thì hệ thống chính sách vẫn còn những khó khăn, cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là mong muốn thực hiện, triển khai hoạt động nghiên cứu của các giảng viên và những giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu từ ngay trong các cơ sở giáo dục đại học.

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa trao đổi tại chương trình

Khẳng định và tán thành với những ý kiến của các giảng viên, vấn đề đạo đức nhà giáo là vấn đề hệ trọng trong nền giáo dục của quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hiện nay, các trường đại học sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên cũng đã dùng thời lượng các môn học nội dung cho việc này và là một phần của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đối với đạo đức các nhà giáo, yếu tố tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự trau dồi chứ không chỉ trông chờ vào lồng ghép trong chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn. Và đối với các nhà giáo, đây là câu chuyện quan trọng.

Vấn đề đạo đức nhà giáo đối với giảng viên đại học thì không chỉ nhà giáo nói chung mà còn là đạo đức của các nhà khoa học, của người làm công tác nghiên cứu, đặc biệt là độ trung thực của các kết quả nghiên cứu. Bộ trưởng thông tin, một số chính sách về giáo dục đại học cũng nhắc đến vấn đề này và càng ngày liêm chính học thuật càng được đề cao. Đặc biệt, yêu cầu giảng viên trung thực trong các kết quả nghiên cứu, không gian lận trong các hình thức công bố nghiên cứu khoa học.

Về vấn đề tự chủ đại học, Bộ trưởng cho hay, trong 10 năm trở lại đây, nhiều trường đã đạt mức tự chủ cao. Tuy nhiên, vấn đề thường gặp phải, được đề cập đến nhiều là thể chế. Quy định đã có nhưng chưa có sự đồng bộ, còn chồng chéo nhau khiến quyền tự chủ khó thực hiện. Trong phạm vi của mình, Bộ GDĐT sẽ có những điều chỉnh cần thiết để có thể tháo gỡ các vướng mắc và mở đường cho các cơ sở giáo dục đại học.

Trao đổi ý kiến của PGS.TS Phạm Ngọc Minh, Trường Đại học Y Hà Nội về những chính sách đặc thù, đầu tư đối với các ngành học đặc thù như ngành đào tạo sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Giáo dục đại học vài thập kỷ trở lại đây có nhiều bước tiến, nhiều chỉ số gia tăng tuy nhiên có những điểm nghẽn về cả thể chế và cơ sở vật chất, hạ tầng. Hệ thống giá dục đại học công và tư chủ yếu vẫn còn nghèo. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hệ thống phòng thí nghiệm hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng được những nghiên cứu đỉnh cao, kể cả các trường quốc tế. Nếu không cải thiển điều này thì sẽ còn cản trở sự phát triển của giáo dục đại học. Do đó, Bộ GDĐT cũng sẽ có những kiến nghị về một chương trình mang tầm quốc gia nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học.

Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên, các nhà khoa học đang công tác tại cả các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng sư phạm; các chính sách đầu tư giáo dục đại học… cũng là những vấn đề được cán bộ, giảng viên nêu và được Bộ trưởng giải đáp.

Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển

Phát biểu cuối buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, nhà khoa học, các đồng nghiệp khối giáo dục đại học vì những đóng góp to lớn trong suốt thời gian qua để phát triển các cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học - lực lượng giúp cho Bộ GDĐT trong việc làm chính sách, xây dựng các vấn đề chiến lược mang tầm quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình

Chia sẻ về vai trò của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng: Giáo dục phổ thông là giáo dục con người, tạo ra các công dân có phẩm chất và năng lực tốt. Giáo dục phổ thông là nền tảng cho phát triển nhân lực chất lượng cao, giúp cho con người biết sống, biết mưu cầu hạnh phúc, quan tâm và phát triển đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng, gọi là những con người tốt, công dân tốt.

Giáo dục phổ thông có cái khó riêng nhưng nếu được quan tâm đầy đủ và có phương pháp thì sẽ tốt. Giáo dục phổ thông cho ta thấy nền của giáo dục. Còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của nền giáo dục.

Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc trí tuệ con người của đất nước, thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và là biểu hiện của sở hữu nhân tài đất nước đó. “Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển. Phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Là một phần của nền giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi. Chuyển đổi mô hình, về cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý nhà nước, hoạt động, phương pháp dạy và học, cơ cấu ngành nghề, về sử dụng nguồn lực...

Bên cạnh đó, có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học. Đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Càng đi vào thời hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn. Khi giáo dục là quốc sách, là một đột phá chiến lược, thì trong mũi nhọn đột phá chiến lược đó là giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng, nguồn lực quan trọng nhất, chỗ dựa quan trọng nhất của ngành chính là các nhà giáo. Đối với giáo dục đại học, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành Giáo dục, mà còn là nguồn lực của quốc gia, niềm tự hào của quốc gia, chỗ dựa của quốc gia.

Do đó, chăm lo, phát triển đội ngũ các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ GDĐT. “Chúng tôi ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng này và đang từng bước cố gắng làm mọi việc có thể phát triển được đội ngũ nhà giáo, các cán bộ khoa học”, Bộ trưởng bày tỏ.

Nhắc đến các con số cho thấy sự phát triển của giáo dục đại học trong 10 năm qua, Bộ trưởng cho rằng, nhìn lại 10 năm, giáo dục đại học đã có bước tiến rất dài. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu của phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật, thì tốc độ phát triển ấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các nhà khoa học, giảng viên dự trực tiếp tại điểm cầu Bộ GDĐT

“Nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa, thì một là chúng ta sẽ chậm lại trong tốc độ phát triển; hai là sẽ rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao của một số các trường, ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. Cho nên tháo gỡ nút thắt được xem là việc rất quan trọng của toàn thể chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm, Bộ trưởng viện dẫn: Chúng ta cần sớm hoàn thành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cần phải đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ. Đồng thời, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hệ thống các trường đại học, có sự cải thiện về nguồn tài chính và ngân sách cho giáo dục đại học.

Riêng về thể chế, Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện và mở đường làm căn cứ cho đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình giáo dục đại học số, đào tạo giáo viên... “Tôi muốn nhắc đến để chúng ta cùng nhau thấy được có rất nhiều công việc lớn còn đang chờ phía trước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kỳ vọng vào các nhà giáo trong cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng đồng thời đề nghị cần làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, một trong vấn đề trọng tâm được dư luận xã hội quan tâm là tự chủ đại học.

Thứ hai, khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển và đổi mới nhanh như vũ bão, thì các nhà khoa học đã giỏi rồi, cần giỏi hơn nữa, bởi vì sự giỏi không có giới hạn. Phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn, chúng ta mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục.

Mong rằng, đây là sự phấn đấu, ý chí của cá nhân nhưng cũng cần chính sách của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Một trong các quyền tự chủ là phát triển đội ngũ, dành những gì tốt nhất để phát triển đội ngũ chuyên gia.

“Bên cạnh những công bố quốc tế, chúng ta cần cả những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đó trách nhiệm xã hội của chúng ta, là bản chất của trí thức. Trí thức thì chỉ có một, không có trí thức công và tri thức tư. Trách nhiệm xã hội của người trí thức cũng không có công có tư. Các nhà giáo, nhà khoa học cần phát huy hơn nữa trách nhiệm đối với ngành Giáo dục. Cần phải làm tốt công tác truyền thông, tự truyền thông”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng nhìn nhận, thời gian tới có nhiều việc phải làm, mong muốn làm. Tuy nhiên, có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian. Trong đó cần phải sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, mà trước mắt sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật số 34.

Ngoài ra, cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn. Mặt khác, cần thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu.

Gửi thông điệp tới các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, Bộ trưởng bày tỏ: Chúng ta phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội và đồng hành của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cần kiên quyết chống tiêu cực, bệnh hình thức, thành tích và chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học; kiên quyết với mục tiêu chất lượng, phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học, vinh quang của nghề nghiệp; cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8719

Tin liên quan