CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM “TAM QUỐC DIỄN NGHĨA” (LA QUÁN TRUNG)

9/20/2023 3:17:59 PM
Media/2024_tttv.hdu.edu.vn/FolderFunc/202309/Images/z4690676552871-14bafbe445045be11a6134c8bf4daec4-20230920031119-e.jpg

Ban biên tập website thư viện trân trọng giới thiệu đến toàn thể bạn đọc lời cảm nhận về bộ tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa: “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của em Em Hà Minh Đạt, K24 Sư phạm Lịch sử CLC, Trường Đại học Hồng Đức, năm thứ 3, khoá học 2021.

Hôm nay tôi xin giới thiệu tới các bạn một trong những cuốn sách hay nhất về lịch sử Trung Quốc hiện đang có tại Thư viện Trường Đại học Hồng Đức, một kiệt tác văn chương của thế giới, bộ sách nổi tiếng nhất trong Tứ Đại Danh Tác Trung Hoa: Tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung. Đây là cuốn tiểu thuyết về lịch sử Trung Hoa, được viết vào thế kỷ XIV, gồm 120 chương hồi, viết theo phương pháp 7 phần thực tế, ba phần hư cấu. Theo nguyên tác tên của truyện là “Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa” nhưng được người đời gọi tắt là “Tam Quốc Diễn Nghĩa. 

Truyện lấy bối cảnh hỗn loạn của Trung Quốc thời Tam Quốc (190 - 280). Thời kỳ này, nhà Hán đang bước vào giai đoạn suy vong, triều đình hư nát, kinh tế đình trệ, bất ổn chính trị - an ninh bị đe dọa. Cuộc nội chiến liên miên, sự tranh giành quyền lực căng thẳng của các phe phái, sự nhũng nhiễu của quan lại khiến dân dân khổ cực, bần hàn gần như lâm vào tuyệt cảnh đã được tác giả thể hiện rất chi tiết trong tác phẩm. Ngoài ra, đây là tuyệt tác xứng đáng trở thành cuốn sách “đệ nhất thiên hạ” về mưu trí của các bậc chiến lược gia quân sự đại tài, khét tiếng như: Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long, Tôn Quyền, Chu Du, Lục Tốn, ….,, hình tượng nhân vật được xây dựng đặc sắc như “Tuyệt gian - Tào Tháo, tuyệt nhân - Lưu Bị, tuyệt trí - Khổng Minh”.  Ngoài ra, bộ sách còn có sự xuất hiện của các tuyệt đại mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành như Điêu Thuyền, Tôn Thượng Hương, nàng Tiểu Kiều... Tôi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa không chỉ thỏa mãn đam mê về tiểu thuyết lịch sử vang danh thế giới này, mà còn rút ra được nhiều bài học cuộc sống sâu sắc.

Khi nói đến Tam Quốc Diễn Nghĩa thì không thể không nhắc đến những đỉnh cao mưu trí thời bấy giờ. Khi đọc tác phẩm thì bạn sẽ được nhiều phen chiêm ngưỡng tài “hô mưa gọi gió”, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, bố trí bát trận đồ bằng đá giải cứu Lưu Bị, bảy lần bắt bảy lần thả Mạnh Hoạch và vô số những kế sách đỉnh cao của bậc quân sư đại tài Gia Cát LượngHay câu chuyện “khởi nghiệp” của  một bậc “gian hùng - Tào Tháo, kỳ tài đệ nhất thiên hạ và những màn tính toán “thần sầu” của ông sẽ làm cho bạn được mở mang kiến thức binh pháp. Tào Tháo là nhân vật mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc hỗn độn vừa có sự ngưỡng mộ vừasự thích thú và cả “bất bình”. Ngoài ra, còn một nhân vật truyền kỳ là Tư Mã Ý, đây là một bậc kỳ tài biết ẩn mình chờ thời, tạo nền móng thành lập ra nhà Tây Tấn, thay thế nhà Ngụy. Và đặc biệt ông có một câu nói nổi tiếng bao hàm triết lý sâu sắc đối với không chỉ riêng tôi mà còn nhiều độc giả khác: “ta tung kiếm chỉ một lần nhưng đã mài kiếm suốt mười mấy năm”. Còn bao nhiêu bậc trí giả, mưu sĩ khác cũng có mặt trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa kinh điển này như: Chu Du, Lục Tốn, Lỗ Túc, Từ Thứ, Tử Kính, Quan Vũ. Phượng Sồ Bàng Thống, Giả Hủ, …

Một trong những trận đại chiến hay nhất trong bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa bạn không thể bỏ qua đó là Đại chiến Xích Bích. Đâytrận đánh kinh điển, vang dội cổ kim của cuộc giao chiến giữa những bậc quân sư hàng đầu Tam Quốc với  Liên Hoàn Kế Sách. Đại chiến Xích Bích đánh dấu sự thành công của liên minh Ngô – Thục (còn gọi là liên minh Tôn – Lưu) với sự kết hợp mưu trí của ba bậc thiên tài quân sự lúc bấy giờ là Chu Du, Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Gia Cát Lượng với tài “cầu gió Đông”, kế sách “dùng thuyền cỏ mượn tên” kết hợp kế “Liên hoàn chiến thuyền” của Bàng Thống dưới sự chỉ huy của đại đô đốc Chu Du thống lĩnh ba quân. Đây xứng danh là trận chiến hoành tráng nhất, kinh điển nhất, có diễn biến hay nhất, quy mô lớn nhất của thời Tam Quốc.

Những điển cố trong sách Tam Quốc đã trở thành những bài học cuộc sống, bài học nhân tâm sâu sắc. Những mẩu chuyện bổ ích như “anh em kết nghĩa vườn đào Lưu – Quan – Trương”, “Tam cố thảo lư”, “Tào Tháo luận thiên hạ”, “Tào Tháo mượn chiếu thư thiên tử hiệu triệu chư hầu”, “Tào Tháo luận thắng bại”, “Tư Mã Ý mặc áo đàn bà”,… đã trở thành những điển cố nổi tiếng giúp độc giả có những bài học sâu sắc về nghệ thuật tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Về những bài học sâu sắc mà tôi và nhiều bạn đọc qua tác phẩm đã học được tôi sẽ làm một phần riêng để có những cái nhìn chi tiết hơn về nó.

Nhìn chung Tam Quốc Diễn Nghĩa có quy mô hoành tráng về cả cốt truyện và nhân vật. Từng bối cảnh truyện được tác giả La Quán Trung thể hiện rất chi tiết và đầy đủ. Hiện nay, cuốn tiểu thuyết này vẫn được nhiều người yêu thích và đánh giá cao. Thậm chí, theo tôi tìm hiểu có rất nhiều độc giả coi nó là “cuốn sách gối đầu giường” bởi chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc trong cuộc sống và nhân tâm. Nếu bạn muốn góc nhìn của bản thân được mở rộng ra nhiều phương diện, từ cách xây dựng hình tượng nhân vật, chính trị, tôn giáo, binh pháp đến việc tránh lầm lẫn sự thực lịch sử với diễn cảnh trong truyện, thì hãy đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, đọc để biết lý do vì sao “tuyệt tác” này được xếp vào hàng tứ đại danh tác của Trung Quốc và để biết lẽ đúng sai, cách đối nhân xử thế của người xưa, từ đó đối chứng và có cách suy nghĩ thấu đáo hơn với đời sống hiện tại vì lẽ không có kiến thức nào về luân lý là cũ cả. Nếu các bạn đang là sinh viên thì chỉ cần đến Tầng 2 Thư viện Trường Đại học Hồng Đức là có thể khám phá tác phẩm. Đến đây tôi xin kết thúc bài cảm nhận của bản thân về tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa./.

                                                                Cập nhật tin tức BBT Website Thư viện

                                                                                Nguyễn Văn Tuấn

Tin liên quan