Nỗ lực thu hút sinh viên đến với thư viện

10/30/2023 7:39:30 PM

NHƯ Ý

Thời gian qua, thư viện nhiều trường đại học đã không ngừng đổi mới, cập nhật các ứng dụng của khoa học công nghệ để đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên viên thư viện được nâng cấp ở mức chuyên nghiệp và các dịch vụ cũng được thiết kế đa dạng, thân thiện với người sử dụng.

Luôn cải tiến, cập nhật công nghệ mới
Cùng với xu thế phát triển, thư viện nhiều trường đại học đã thay đổi quan niệm “thư viện chỉ là nơi cho mượn và thu hồi sách cho mượn”. Nhiều ý kiến cho rằng thư viện phải là nơi nổi bật nhất của cơ sở đại học. 
Có quy mô trong một tòa nhà 7 tầng với tổng kinh phí đầu tư 129 tỷ đồng, Thư viện truyền cảm hứng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU, khánh thành năm 2017) từng gây sốt vì quá đẹp và tiện nghi. PGS.TSKH. Bùi Loan Thùy (Giám đốc Thư viện TDTU) cho biết việc tự học, tự nghiên cứu tài liệu thông qua thư viện được giảng viên và sinh viên (SV) của TDTU rất chú trọng và lãnh đạo Trường rất quan tâm.
“Chúng tôi cung cấp kênh theo dõi về kết quả tự học, tự nghiên cứu của SV cho giảng viên phụ trách từng lớp học và cho các khoa. Thông qua đó, thư viện phối hợp với các khoa phân tích, tìm ra giải pháp để thúc đẩy và phát triển thói quen đọc tài liệu trong mỗi SV, trên cơ sở đó để phát huy tính chủ động của SV trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập, nghiên cứu và phát triển kỹ năng tự học suốt đời cho SV” - PGS.TSKH. Bùi Loan Thùy chia sẻ.
Giám đốc Thư viện TDTU thông tin thêm: “Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, SV đã tham gia các chương trình tập huấn khai thác hiệu quả thư viện, thông qua đó SV được truyền cảm hứng đọc tài liệu, biết cách tìm kiếm thông tin và phương pháp đọc tài liệu in cũng như khai thác nguồn tài nguyên số hiệu quả và biết cách sử dụng thành thạo tất cả các dịch vụ, trang thiết bị hiện đại tại thư viện... tất cả nhằm mục đích để SV sử dụng hiệu quả thư viện phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu của bản thân...”.
Còn tại thư viện Trường Đại học Văn Lang (VLU) thì công việc cũng không kém phần bận rộn. Theo ThS. Thái Thị Thu Thắm (Giám đốc Thư viện VLU), bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, thư viện còn phải chú trọng đến hoạt động truyền thông nhằm quảng bá nhanh chóng và rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thông tin có thể hỗ trợ cho người học, giảng viên, nhà nghiên cứu. Thư viện Trường Đại học Văn Lang và nhiều thư viện trường đại học khác hiện nay (như Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM...) đều bố trí nhân sự phụ trách truyền thông của thư viện. 
“Đây là cơ sở để phát triển các kênh truyền thông như website, fanpage, youtube, Instagram... nhằm chủ động cung cấp thông tin về thư viện, tương tác, thu hút và kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng tin. Các chương trình, sự kiện văn hóa giới thiệu, thảo luận về văn hóa phẩm cũng được tổ chức thường xuyên với đa dạng hình thức hơn. Nếu trước đây, hoạt động này chủ yếu bó hẹp trong các hội sách, triển lãm sách theo chủ đề thì gần đây, các cuộc thi cảm nhận sách dưới nhiều hình thức khác nhau (bài cảm nhận, video, tranh vẽ), các buổi tọa đàm giới thiệu tác giả và tác phẩm (trực tiếp và trực tuyến), các vở diễn sân khấu hóa tác phẩm văn học... đã xuất hiện rộng khắp” - ThS. Thái Thị Thu Thắm chia sẻ.
Theo ThS. Thái Thị Thu Thắm, với nguồn thông tin đa dạng, phong phú và dễ dàng tiếp cận trên mạng Internet, cùng xu hướng sử dụng phương tiện nghe - nhìn như hiện nay, hoạt động của thư viện cần được đổi mới để phù hợp với nhu cầu của người dùng tin.  “Chúng tôi sản xuất video giới thiệu tài liệu cụ thể trong thư viện. Sản xuất audio book để khuyến khích các bạn nghe, đọc tài liệu vì hiện tại, xu thế tiếp nhận thông tin qua các kênh nghe - nhìn được người trẻ quan tâm hơn. Định kỳ tặng quà là sách cho các bạn thông qua trò chơi nhỏ trên facebook...” - ThS. Thái Thị Thu Thắm (VLU) thông tin thêm. 

Một góc thư viện Trường Đại học Văn Lang.

Tạo dựng môi trường, thúc đẩy văn hóa đọc
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Văn hóa đọc và phát triển ngành Xuất bản trong tương lai”, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, dẫn chứng số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản), trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người. Như vậy sau 7 năm, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách/người. 

Một cuộc thi xếp sách do Thư viện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức.

Chỉ số phân tích trên cho thấy sức đọc của người Việt rất thấp. Do đó, để việc đọc sách trong nhà trường được nâng cao thì vai trò của các thư viện không hề nhỏ. Theo PGS.TSKH. Bùi Loan Thùy (Giám đốc Thư viện TDTU), Thư viện TDTU được SV xem là giảng đường thứ hai. Sau giờ lên lớp, SV luôn tìm đến thư viện để tự học và giải trí lành mạnh. Đồng thời, muốn thư viện kết nối chặt chẽ với SV, được SV xem là giảng đường thứ hai, thì thư viện phải có không gian được bố trí hợp lý và thu hút. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thông tin phải phong phú, phù hợp với chương trình đào tạo và các dịch vụ thông tin thư viện phải đa dạng, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng người dùng. Ngoài ra, việc kết nối chặt chẽ giữa thư viện với các khoa trong trường cũng rất quan trọng, đây là cầu nối giúp thư viện gắn bó mật thiết với SV trong suốt quá trình học tập tại trường. Bên cạnh đó, để truyền cảm hứng và phát triển văn hóa đọc trong SV, Thư viện TDTU đã phối hợp với các đơn vị trong trường và các cơ quan ban ngành ngoài trường để tổ chức, phát động các chương trình, sự kiện liên quan đến học thuật, văn hóa đọc trong từng năm học và nhận được sự hưởng ứng lớn từ SV, cụ thể như các chương trình, sự kiện: “Hội sách SV”, “Phát triển kỹ năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh trong SV”, “Khai thác thư viện hiệu quả phục vụ nghiên cứu khoa học SV”, “SV với Văn hóa đọc”, “Đại sứ Văn hóa đọc”, “Giới thiệu sách trực tuyến”, “Ngày hội Văn hóa đọc”... 
“Riêng trong năm học 2022 - 2023, Thư viện TDTU phối hợp với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm lan tỏa và phát triển mạnh hơn nữa văn hóa đọc trong SV toàn Trường và xây dựng thêm các không gian chức năng mới như: Little Free Library, Khu tự học tại Ký túc xá, Khu Văn hóa các nước” - Giám đốc Thư viện TDTU chia sẻ.
Với quy mô gần 30 ngàn SV nên thư viện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã không ngừng nỗ lực trong việc thu hút SV tới thư viện, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong toàn trường. ThS. Vũ Trọng Luật - Giám đốc Thư viện HCMUTE cho biết, thời gian qua thư viện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về sách, khơi gợi nhu cầu hứng thú đọc trong SV: Trưng bày giới thiệu sách, Trao đổi sách cũ, Tổ chức tọa đàm về kỹ năng đọc sách, Cuộc thi viết cảm nhận về sách, Cuộc thi ảnh đẹp với sách, Cuộc thi xếp sách nghệ thuật... Xây dựng nhiều không gian đọc sách bên ngoài thư viện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhu cầu tự học của SV. Xây dựng các ‘Kệ sách lớp học’ đặt trong các phòng học. Liên kết, chia sẻ và hợp tác với Thư viện Q. Thủ Đức (TP.HCM), thư viện của 30 trường đại học, cao đẳng ở phía Nam. Thực hiện hợp đồng liên kết chia sẻ tài nguyên với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM...


“Để việc đọc sách trong nhà trường được nâng cao, thư viện cần nắm rõ nhu cầu hiện tại của người học. Họ đang cần gì? Họ quan tâm đến vấn đề gì? Từ đó tạo ra một số dịch vụ mới nhằm mang đến sự khác lạ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và thu hút người học đến thư viện. Thư viện phải tương tác với bạn đọc như là một khách hàng” - ThS. Vũ Trọng Luật nêu ý kiến. 
Cùng quan điểm, ThS. Thái Thị Thu Thắm (Giám đốc Thư viện VLU) cho rằng để thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường thì cần có những quan niệm đúng đắn về thư viện trong trường học hiện nay. Thư viện các trường đại học đang dần chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ từ trực tiếp sang trực tuyến, từ xa và đồng thời đáp ứng các nhu cầu khác nhau của đối tượng người dùng tin. Đây là “chìa khóa” để các thư viện duy trì hoạt động và hỗ trợ tích cực đối với người dùng tin trong mùa dịch. Và hiện tại, đây là bước đột phá để thư viện tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với người dùng tin thông qua việc “thích ứng” với thói quen công nghệ của họ. Tại Thư viện Trường Đại học Văn Lang, form trực tuyến đăng ký dịch vụ, mượn sách ship cod qua bưu điện, đào tạo người dùng tin online qua MS Teams, tư vấn thông tin qua facebook messenger... là những nền tảng công nghệ được ứng dụng phổ biến hiện nay trong quá trình cung cấp dịch vụ của thư viện trường đại học.
 “Thư viện không chỉ có sách in, mà phải là nơi cung cấp được thông tin. Hơn thế nữa, thư viện không chỉ lưu trữ sách mà phải là nơi cung cấp các dịch vụ thông tin và tạo dựng được cộng đồng người dùng tin - những người chia sẻ, cộng tác với nhau để tiếp nhận và tạo ra kiến thức. Đồng thời, muốn SV kết nối với thư viện thì cần để SV nhận thức được thư viện có thể hỗ trợ, cung cấp gì để họ có thể xây dựng nguồn lực thông tin hữu ích cho mình một cách rất cụ thể. Chẳng hạn như thư viện có tài liệu cho một môn học cụ thể nào đó của họ hay không, thư viện có tài liệu cho một đề tài cụ thể nào đó của họ hay không, thư viện có tài liệu cho một kỹ năng nào đó mà họ muốn phát triển hay không...” - ThS. Thái Thị Thu Thắm chia sẻ.

Nguồn: https://khoahocphothong.vn/no-luc-thu-hut-sinh-vien-den-voi-thu-vien-202132.html

Tin liên quan