Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đáp ứng nhu cầu độc giả

6/19/2023 8:34:52 AM

01/05/2023 13:44

 Hiện nay, chuyển đổi số đi sâu vào tất cả các lĩnh vực và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển. Trong đó, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là “chìa khóa” để tiếp cận bạn đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao dân trí. Hiện Thư viện tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều hình thức chuyển đổi số, từng bước hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc.

 

Nhân viên Thư viện tỉnh scan tài liệu chuyển thành bản điện tử phục vụ bạn đọc.

Từ năm 2010, Thư viện tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện nhưng còn hạn chế trong quản lý và truy cập. Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thư viện dần được đầu tư máy móc, thiết bị, giúp nâng cao năng lực hoạt động, đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Tại Trà Vinh, ngày 08/11/2021 UBND tỉnh có Quyết định số 2544/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 206. Mục tiêu là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh, xây dựng và phát triển Thư viện tỉnh trở thành thư viện điện tử, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Theo đồng chí Lâm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: chương trình chuyển đổi số ngành thư viện là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ độc giả, góp phần duy trì và thu hút được lượng lớn độc giả đến với Thư viện tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, năm 2023 Thư viện được cấp 465 triệu đồng trang bị hệ thống máy thực hiện số hóa thư viện, trong đó trang bị máy chủ, máy scan… hướng đến mục tiêu xây dựng Thư viện tỉnh cơ bản trở thành thư viện điện tử. Từ đó, Thư viện dần được bổ sung nguồn tài liệu điện tử, có máy scan được dùng scan các loại sách, sau đó ứng dụng phần mềm, xử lý, đóng cuốn lại bằng hình thức trang lật, giống như đọc quyển sách giấy. Hiện nguồn tài liệu điện tử của Thư viện khá nhiều, hàng năm được ngân sách hỗ trợ mua sách điện tử, trong đó có sách nói, bạn đọc được cấp tài khoản miễn phí để xem sách điện tử.

Hiện lượng bạn đọc trực tiếp đến thư viện giảm (bình quân mỗi ngày khoảng 100 người) nhưng lượng đọc online tăng nhiều cho thấy nhu cầu cần tài liệu số của bạn đọc tăng lên. Hơn nữa, thư viện phục vụ lượng bạn đọc khá lớn là học sinh, sinh viên tìm tài liệu phục vụ học tập nên Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm Học liệu (Trường Đại học Trà Vinh) cấp tài khoản đăng nhập các tài liệu số miễn phí, giúp sinh viên thuận lợi khi tiếp cận nguồn sách điện tử của thư viện. Sinh viên có máy vi tính, điện thoại thông minh nên khi được cấp tài khoản sẽ dễ dàng vào đọc sách online của Thư viện mọi lúc, mọi nơi nhằm phục vụ việc học tập và giải trí.

Sinh viên Trương Thanh Tâm, ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Trà Vinh) chia sẻ: hiện em thường truy cập vào thư viện điện tử để tìm các tài liệu phục vụ học tập và em thấy rất thuận lợi. Nhiều sách điện tử phù hợp với nhu cầu học tập của các em, ngoài ra, việc trao đổi tài liệu giữa em và các bạn cũng dễ dàng khi đọc sách điện tử.

Thư viện hiện có khoảng 220.000 bản sách giấy, trên 15.000 bản tài liệu điện tử, trên 800 đầu sách nói thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút học sinh, sinh viên đến tìm tài liệu phục vụ học tập khá nhiều. Để khuyến khích học sinh đọc sách, Thư viện tỉnh liên kết các trường để nâng cao số lượng học sinh, khuyến khích học sinh đọc sách nhiều hơn. Có tài liệu điện tử, bạn đọc, nhất là học sinh truy cập vào đọc sách nhiều hơn.

Ngoài ra, phối hợp với các trường lân cận, nhất là Trường Tiểu học Lê Văn Tám mỗi tuần đưa học sinh đến thư viện 02 ngày cho học sinh tiếp cận và đọc sách của Thư viện, tổ chức hoạt động kể chuyện, trò chơi… thu hút học sinh đọc sách. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động xe thư viện lưu động đa phương tiện đến các trường học trong tỉnh, mỗi năm khoảng 100 chuyến xe, thu hút nhiều học sinh hưởng ứng, các em rất thích thú khi tham gia hoạt động đọc sách và chơi trò chơi trên xe thư viện lưu động.

Đồng chí Lâm Văn Tuyên cho biết thêm: người dân hiện nay có nhu cầu đọc sách điện tử tăng nhiều nên thực hiện chuyển đổi số hoạt động thư viện rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng vực dậy hoạt động của thư viện cấp huyện. Bởi khi có nguồn tài liệu điện tử, thư viện huyện được kết nối với thư viện tỉnh, giúp người đọc tiếp cận nguồn tài liệu điện tử từ thư viện tỉnh cấp, giúp thư viện huyện hoạt động hiệu quả hơn.

Chương trình chuyển đổi số trong hoạt động thư viện được xác định sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, đồng bộ dữ liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, là điều kiện quan trọng để tạo đột phá cho ngành thư viện, phục vụ bạn đọc ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí.

                                                                                                                               Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/ung-dung-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-thu-vien-dap-ung-nhu-cau-doc-gia-28277.html

Tin liên quan